Posts Tagged ‘Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp’

Chương VII: Tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ Nhất

Tháng Bảy 11, 2009

I- Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp và những biến đổi trong nền kinh tế Việt Nam

1- Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp

– Sau chiến tranh TG1, Pháp tuy thắng trận, nhưng phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế-tài chính. Chiến tranh phá huỷ nhiều nhà máy, đường sá, cầu cống, làng mạc của Pháp; nhiều ngành sản xuất công nghiệp bị đình trệ; thương mại giảm sút; nước Pháp trở thành con nợ lớn, nhất là của Mĩ, năm 1920 nợ 300 tỉ Phơ-răng. Chiến tranh tiêu huỷ hang triệu Phơ-răng đầu tư của Pháp ở nước ngoài, điển hình cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã làm mất thị trường đầu tư lớn nhất của Pháp tại châu Âu. Các vấn đề lạm phát, tăng giá và đời sống khó khăn của các tầng lớp lao động đã làm trỗi dậy các phong trào đấu tranh chống chính phủ.

– Trong hoàn cảnh trên, để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục nền kinh tế, chính phủ Pháp một mặt ra sức khôi phục kinh tế trong nước, một mặt tăng cường đầu tư, khai thác thuộc địa, trước hết và chủ yếu tại Đông Dương và châu Phi.

– Về thời gian, đợt khai thác thuộc địa lần 2 của thực dân Pháp chính thức được triển khai từ sau Đại chiến TG1 và kéo dài đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế TG 1929-1933, tức là trong khoảng 10 năm.

– Tốc độ và quy mô đầu tư của thực dân Pháp trong đợt khai thác thuộc địa lần 2 ồ ạt và rộng hơn nhiều lần so với đợt khai thác lần 1. Số vốn đầu tư tăng nhanh qua các năm; riêng năm 1920 đầu tư đạt 225 tỉ Phơ-răng. Nếu giai đoạn 1888-1918 Pháp mới đầu tư khoảng 1 tỉ Phơ-răng vào toàn Đông Dương(chủ yếu ở VN), thì chỉ trong giai đoạn 1924-1929 số vốn đầu tư đã lên đến 4.000 triệu Phơ-răng. Từ 1931 dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế TG, tư bản Pháp vẫn tiếp tục đầu tư vốn vào VN.

– Về hướng(lĩnh vực) đầu tư trong đợt KTTĐL2 cũng khác với KTTĐL1. Nếu đợt KTTĐL1 tư bản Pháp chủ yếu đầu tư vào khai mỏ và giao thông vận tải; thì KTTĐL2 tư bản Pháp đổ xô vào kinh doanh nông nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh khai thác khoáng sản.

=> Chính sách tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa trên đây của thực dân Pháp đã làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu và trình độ phát triển của các ngành kinh tế VN sau CTTG thứ nhất.

2- Những biến đổi trong nền kinh tế Việt Nam

– Nông nghiệp: là ngành được TDF chú trọng đầu tư khai thác hơn tất cả các ngành khác trong đợt KTTĐL2. Nếu 1924 thực dân Pháp đầu tư 52 triệu Phơ-răng thì đến 1927 đã đầu tư 400 triệu Phơ-răng, ra sức cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền. Đến 1930, tổng số RĐ TDF chiếm đoạt lên đến 1,2 triệu ha.

Hầu hết đồn điền đều chủ yếu trồng lúa và 1 số loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su… Tại các đồn điền trồng lúa, phương thức canh tác và bóc lột của địa chủ Pháp-Việt vẫn chủ yếu theo kiểu phong kiến(cho mướn RĐ-thu tô thuế), các biện pháp kỹ thuật ít được áp dụng, năng suất lúa rất thấp so với các nước(11-12 tạ/năm; Xiêm 18 tạ/năm; Malaixia 21 tạ/năm)

Do nhu cầu thị trường TG sau chiến tranh, nhất là Pháp, giá cao su tăng lên nhanh chóng, do đó các nhà tư bản Pháp đổ xô vào kiếm lời trong kinh doanh cao su. Chỉ tính 2 năm 1927-1928, các đồn điền cao su được đầu tư 600 triệu Phơ-răng. Diện tích đồn điền cao su mở rộng không ngừng: năm 1919, diện tích là 15.850ha; 1925 là 18.000ha; 1930 là 78.620ha. Các hoạt động kinh doanh cao su tập trung chủ yếu quanh 3 công ti lớn là: Công ti đất đỏ, Công ty trồng cây nhiệt đới, Công ty Michelin. Sản lượng mủ cao su ngày càng tăng: năm 1919 là 3.500 tấn; 1924 là 6.796 tấn; năm 1929, riêng số cao su xuất khẩu là 10.000 tấn.

Bên cạnh đó, nhiều đồn điền chè, cà phê cũng được xây dựng ngày 1 nhiều và mở rộng diện tích, nhất là thời gian sau 1924. Đến 1930, TDF có khoảng 10.000ha cà phê, 3.000ha chè, ngoài ra còn có hang nghìn hecta dùng trồng mía, bong, hồ tiêu…

Tuy nhiên, tốc độ phát triển trung bình của nông nghiệp VN thời này vẫn thấp, khoảng 1,4%/năm; riêng Nam Kỳ, có tốc độ phát triển cao hơn, khoảng 8,5%/năm trong giai đoạn những năm 20. Chỉ tính từ 1926-1930, các tỉnh Nam Kỳ đã thu hoạch được 3.360 nghìn tấn lúa, trong đó một phần được xuất khẩu ra thế giới. Những năm 20, lúa là mặt hang xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 60-70% giá trị(năm 1880 xuất 240.000 tấn gạo; 1928 xuất 1.700.000 tấn gạo), VN là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Malaixia.

– Công nghiệp: cũng được tăng cường vốn đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Tư bản Pháp tiếp tục gia tăng tốc độ đầu tư khai mỏ, nhất là mỏ than(năm 1911 diện tích mỏ là 6 vạn ha; năm 1930 là 43 vạn ha, gấp 7 lần).     Những năm 20, nhiều công ti khai mỏ mới được thành lập như: Công ti than Hạ Long, Đồng Đăng, Tuyên Quang, Đông Triều, Công ti than và mỏ kim khí Đông Dương… Sản lượng than khai thác tăng qua các năm: năm 1919 đạt 665.000 tấn; năm 1929 đạt 1.972.000 tấn, gấp 3 lần.

Bên cạnh than, các mỏ thiếc, kẽm, sắt… đều được bổ sung thêm vốn, nhân công và đẩy mạnh tiến độ khai thác: so với trước chiến tranh TG1, sản lượng thiếc tặng gấp 3 lần; kẽm 1,5 lần; vonfram 1,2 lần. Riêng năm 1928, tư bản Pháp đã khai thác được ở VN gần 2 triệu tấn than, 21.000 tấn kẽm, 250 tấn chì, 105 tấn vonfram, 20 tấn phốt phát, trên 150 nghìn tấn muối.

Tổng giá trị các loại quặng khoáng sản đã khai thác từ 1923 – 1929 tăng gấp 2 lần, đạt 18,6 triệu đồng(tương đương trên 200 triệu Phơ-răng). Số quặng khai thác được chủ yếu để xuất khẩu(năm 1929 Pháp xuất khẩu 1,3 triệu tấn than, chiếm 65% sản lượng khai thác, tăng gấp 2 lần 1913).

Để phục vụ ngành khai khoáng, một số cơ sở chế biến quặng, đúc kẽm, thiếc… đã được thành lập tại Quảng Yên, Hải Phòng, Cao Bằng… để sơ chế khoáng sản để xuất khẩu hoặc phục vụ công nghiệp chính quốc.

Công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thời kỳ này cũng khá phát đạt, như: xi măng Hải Phòng; các nhà máy tơ-sợi-dệt ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn; các nhà máy xay xát gạo, chế biến rượu, làm đường ở Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Chợ Lớn… đều được nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, một ngành công nghiệp nặng(luyện kim, cơ khí)với đầy đủ tính chất của nó, chưa thật sự ra đời. Công nghiệp VN vẫn là 1 nền công nghiệp dịch vụ và phục vụ(chủ yếu sản xuất hang tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chính quốc)nên chịu lệ thuộc nặng nề vào thực dân Pháp và thị trường nước ngoài.

Giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường đầu tư vốn và các trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa. Chính quyền thực dân cho xây dựng một số tuyến đường sắt xuyên Đông Dương như: Vinh-Đông Hà, Đồng Đăng-Na Sầm. Đến 1931, Pháp xây dựng được 2389 km đường sắt trên lãnh thổ VN. Đường bộ, bao gồm đường liên tỉnh và nội tỉnh, cũng được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cho đến 1930 đạt gần 15.000km, trong đó đường nhựa thì mới chỉ đạt vài nghìn km. Các cảng Hải Phòng, Sài Gòn được nạo vét và củng cố nhà kho, bến bãi; một số cảng mới như Hòn Gai, Bến Thuỷ… được xúc tiến xây dựng. Mạng lưới giao thông thuỷ trên các sông Hồng, Cửu Long tiếp tục được khai thác. Nhìn chung, những năm 30-40 của thế kỷ XX, Đông Dương là một trong những nơi có hệ thống giao thông tốt nhất ở Đông Nam Á.

– Thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương, có bước tiến rõ rệt so với trước. Sau các đạo luật thuế quan vào các năm 1887, 1892, 1910, 1913, năm 1928 chính quyền thực dân ra thêm một nghị định mới nhằm đánh thuế nặng vào các hàng của nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc và Nhật Bản, qua đó thực hiện độc quyền thương mại, giúp hang hoá Pháp tràn ngập thị trường VN(trước thế chiến I hàng Pháp chiếm 37%, những năm 1929-1930 hàng Pháp chiếm đến 63% tổng số hang nhập khẩu). Cán cân thương mại thời kỳ này khá ổn định, thậm chí có xu hướng xuất siêu(trong giai đoạn 1928-1932 chỉ có 1 năm nhập siêu còn lại 4 năm xuất siêu, riêng 1928 giá trị xuất siêu đạt trên 50 triệu đồng). Tổng giá trị hang hoá xuất nhập khẩu tăng nhanh(năm 1920 giá trị xuất đạt 318 triệu, năm 1928 xuất đạt 550 triệu đồng). VN được tăng cường mở rộng quan hệ buôn bán với các nước Anh, Đức, Mĩ, Italia và một số nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á như Thái Lan, Trung Quốc, Xinhgapo, Hồng Kông. Tuy nhiên bạn hang chính của VN vẫn là Pháp(giai đoạn 1911-1920 hàng Pháp và các thuộc địa của Pháp chiếm 29,6%; giai đoạn 1921-1930 chiếm 43,2%). Nhìn chung trong 1 giai đoạn khá dài, VN và Đông Dương đóng vai trò “người điều chỉnh” thương mại chính quốc. Hàng hoá VN bán ra ngoài chủ yếu gồm gạo, khoáng sản, chè, cao su, cà phê, hạt tiêu(năm 1932, riêng giá trị gạo chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu của VN). Hàng hoá Pháp sang VN gồm hàng tiêu dùng và phục vụ sinh hoạt như: vải, bong sợi, giày dép, rượu, thuốc lá, ôtô; các thiết bị máy móc phục vụ phát triển công nghiệp hầu như không được nhập vào(ví dụ năm 1929, riêng giá trị rượu nhập vào VN là 63 triệu Phơ-răng, trong khi đó giá trị máy nông nghiệp nhập chỉ là 2,4 triệu).

Nội thương cũng phát triển hơn so với trước; quan hệ giữa các tỉnh, các miền của VN cũng được đẩy mạnh. Người Pháp vẫn độc quyền mua-bán về rượu, muối và thuốc phiện. Nhìn chung các hoạt động mua bán lớn của VN đều nằm trong tay người Pháp và Hoa Kiều.

– Ngân hang Đông Dương nắm vai trò tổ chức và chi phối các hoạt động kinh tế-tài chính ở VN. Ngoài việc độc quyền phát hành giấy bạc và cho vay lãi, ngân hang Đông Dương còn trực tiếp quản lí và chỉ đạo hoạt động của các chi nhánh ở các ngành, các tỉnh. Giai đoạn 1925-1930 ngân hang Đông Dương phát triển thêm 19 Nông phố Ngân hang ở khắp các tỉnh Bắc, Trung, Nam, qua đó phát triển việc cho vay lãi nặng và can thiệp sâu vào đời sống nông thôn VN.

Đánh giá cuộc khai thác thuộc địa lần 2 của thực dân Pháp ở VN không chỉ dừng lại ở góc độ tăng cường đầu tư vốn và mở rộng quy mô khai thác, mà còn phải đánh giá ở góc độ yếu tố kỹ thuật và nhân tố con người. Tuy nhiên, cuộc khai thác thuộc địa lần 2 của thực dân Pháp chỉ là sự mở rộng, nhân lên của tình trạng sản xuất lạc hậu trong các cơ sở kinh tế; số máy móc và tiến bộ kĩ thuật được áp dụng cực kỳ hạn chế và ít ỏi trong sản xuất.

Do đó, đặc điểm nổi bật của toàn bộ cơ cấu kinh tế VN thời thuộc địa là sự phát triển mất cân đối: nền nông nghiệp nặng nề, cổ hủ, bên cạnh nền công nghiệp mỏng manh, yếu ớt; trong công nghiệp, ngành khai mỏ chiếm phần lớn, các ngành khác như hoá chất, luyện kim, cơ khí, năng lượng… thì hầu như không phát triển.

Tính chất mất cân đối, lệch lạc còn thể hiện qua quan hệ giữa các vùng, miền trong cả nước. Miền Bắc và miền Nam, kinh tế còn ít nhiều phát triển; riêng miền Trung, chỉ trừ một vài chuyển biến có tính chất cục bộ ở Vinh-Bến Thuỷ, Quảng Nam-Đà Nẵng…, còn lại các nơi khác hầu như vẫn nguyên trạng trong nghèo nàn, lạc hậu; các khu vực miền núi hầu như không có chuyển biến gì, người dân vẫn chủ yếu du canh du cư, sống phụ thuộc chủ yếu vào việc tận dụng các sản vật của thiên nhiên.

II- Chính sách chính trị, xã hội và văn hoá của thực dân Pháp sau chiến tranh thế giới thứ nhất.

Những biến đổi của xã hội VN trước hết chịu sự chi phối của quá trình phát triển kinh tế, đồng thời còn trực tiếp chịu ảnh hưởng của các chính sách xã hội do chính quyền thực dân-phong kiến thi hành.

1- Chính sách “cải lương hương chính”

Nhằm mục đích can thiệp trực tiếp vào các làng, xã, từ năm 1904 thực dân Pháp bắt đầu thực hiện quá trình “cải lương hương chính” với ý đồ đưa tầng lớp tân học lên cầm quyền thay tầng lớp cựu học. Tuy nhiên, từ nghị định đầu tiên vào 27/8/1904 ở Nam Kì, phải mất 17 năm sau, đến 12/8/1921 thực dân Pháp mới ban hành được nghị định tiếp theo để thực hiện trên đất Bắc Kì. Công cuộc cải lương hương chính tiếp tục được thực hiện ở hai miền với các nghị định 25/2/1927 của Thống sứ Bắc Kì và nghị định 30/10/1927 của Toàn quyền Đông Dương.

Chủ trương chung của thực dân Pháp là tiếp tục sử dụng giai cấp địa chủ và tay sai người Việt vào việc cai trị. Các thành phần này ở bên trên chỉ là những kẻ có chức nhưng không có quyền hành gì đáng kể. Bộ phận đắc lực là guồng máy tay sai ở các cấp dưới, chủ yếu làm nhiệm vụ thừa hành mệnh lệnh của cấp trên. Ngoài bộ phận tay sai cũ được suy trì và cải tạo để sử dụng, Pháp tăng cường đào tạo lực lượng mới để bổ sung và củng cố cho bộ máy chính quyền của chúng. Chính sách này có hiệu lực ở mức độ nhất định, còn bộ phận rộng lớn nhất của xã hội VN là các làng, xã thì Pháp khó chi phối hơn. Pháp không thể mở trường đào tạo các lí trưởng, chánh tổng, các làng, xã bị đóng kín. Nhưng đó lại là bộ phận quan trọng bậc nhất trong cấu trúc xã hội VN, vì mỗi làng, xã là 1 tế bào, 1 cấu kiện ghép thành xã hội nông thôn-nông nghiệp VN, nên Pháp càng phải ra sức tìm một con đường, xâm nhập và chi phối các làng, xã.

Về căn bản, các chính sách cải lương hương chính chấp nhận các cơ chế cổ truyền của làng, xã VN, nhưng nó cố gắng nắm lấy bộ phận cầm đầu làng, xã, hương, thôn. Dù có những khó khăn và phản ứng từ các làng xã, nhưng kết quả của quá trình cải lương hương chính là thực dân Pháp đã thành công trong việc can thiệp vào các làng xã thông qua việc “viên chức hoá” các chức dịch, kì hào, kiểm soát về nhân sự, tài chính, đưa các thành phần gắn bó với chế độ thực dân vào chính quyền…

Sau khi đã xây dựng và củng cố được quyền lực của mình trong thực tế, thực dân Pháp tìm cách gạt bỏ vai trò của triều đình phong kiến trong công việc quốc gia. Với bản quy ước ngày 6/11/1925, Pháp đã công khai bãi bỏ thực quyền của giai cấp phong kiến và nắm lấy quyền thống trị cả trên 3 phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một bộ máy nhà nước của thực dân Pháp vừa trùm lên, vừa chi phối hệ thống chính quyền phong kiến, hình thành.

2- Các cuộc cải cách về chính trị-hành chính

Trong những năm 20, thực dân Pháp đã tiến hành một số cải cách nhằm đối phó lại những biến động đang diễn ra trong xã hội VN. Mục tiêu của các cuộc cải cách này là mở rộng cơ sở xã hội của thực dân Pháp, nhưng không làm ảnh hưởng tới nền tảng thống trị ở thuộc địa. Xuất phát từ đó, Pháp kiên trì nhượng bộ đối với giai cấp có của, đồng thời tăng cường đàn áp chống lại quần chúng lao động.

Nhằm xoa dịu quần chúng, các Toàn quyền Pháp là Xa-rô, Lông, Va-ren đã tiến hành một số biện pháp như: lập các Viện Dân Biểu Bắc-Trung kì, mở rộng các công sở cho người Việt, lập các ngạch công chức tương đương cho người Pháp và người Việt có bằng cấp ngang nhau, nhưng với các chức vụ và chế độ lương bổng khác nhau. Bộ phận các uỷ viên người Việt trong các Phòng Thương mại và Canh nông của các thành phố lớn cũng được tăng thêm số lượng. Năm 1928, Pháp lập Đại hội đồng kinh tế-tài chính Đông Dương với tư cách là cơ quan tư vấn về kinh tế-tài chính trong Liên bang Đông Dương.

Một trong những biểu hiện khác của chính sách cải cách này là tăng cường số lượng công chức người Việt trong bộ máy hành chính thuộc địa. Để thực hiện mục tiêu đó, Toàn quyền Đông Dương ban hành sắc lệnh ngày 20/6/1921 về việc tăng cường lựa chọn vào bộ máy hành chính những quan lại người Việt, tạo điều kiện để tạo ra đội ngũ cán bộ địa phương người Việt, là lần đầu tiên trong lịch sử xâm lược và thống trị VN, thực dân Pháp chính thức ban hành một quy chế về việc tuyển dụng người Việt vào bộ máy hành chính thuộc địa. Tuy nhiên các cải cách của Toàn quyền Lông đã không đạt được mục đích  vì đã không làm thay đổi căn bản được tình hình, số lượng công chức người Việt vẫn không đáng kể.

Nhìn chung vấn đề xây dựng đội ngũ công chức người Việt trong những năm 20 là một vấn đề được chính quyền thực dân khá coi trọng. Một số nhà hoạt động trong lĩnh vực hành chính của Pháp coi đây như là chìa khoá để giải quyết tất cả các vấn đề khác của chính sách thuộc địa ở VN.

Để tiếp tục giải quyết vấn đề công chức người Việt, nghị định 27/2/1926 đã nêu rõ rằng từ nay tất cả các chức vụ trong cơ quan hành chính Pháp, trừ một số chức vụ cao, sẽ được xếp ngang nhau cho người VN và người Pháp. Tuy nhiên những quy định đó chỉ là trên giấy tờ, còn trong thực tế Toàn quyền Va-ren đã phê chuẩn một khoản gọi là “phụ cấp thuộc địa” cho các quan chức người Pháp, chiếm khoảng 0,7% lương tháng.

Vì vậy, việc cải cách trên không thoả mãn các công chức người Việt, khiến họ công khai nói rằng: “Các công chức VN do nguồn gốc của mình đã không có quyền nhận khoản phụ cấp thuộc địa và như vậy, chính sách nói trên chỉ có mục đích hạ thấp chủng tộc Á châu”.

Tóm lại, chính sách của thực dân Pháp trong những năm 20 là nhằm ve vãn, tranh thủ và lôi kéo một bộ phận rất nhỏ trong giới thương lưu VN, bao gồm một số nhà tư sản, địa chủ và trí thức lớn. Lực lượng này, vì quyền lợi cá nhân đã đứng về phía bọn xâm lược, câu kết với chính quyền thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân ta. Còn đại đa số các tầng lớp nhân dân thì bị đẩy về bên kia trận tuyến, đối lập với toàn bộ chế độ thực dân.

3- Chính sách thuế khoá

Sau chiến tranh TG1, cùng với việc dẩy mạnh đầu tư khai thác, thực dân Pháp cũng tăng cường vơ vét , bóc lột nhân dân VN qua con đường thuế má. Các loại thuế trực thu và gián thu tăng lên. Số tiền thuế ngày càng nặng thêm.

Từ 1919-1921, chính quyền thực dân bãi bỏ mức thuế cũ ở Bắc-Trung kì, tiến hành đánh thuế đồng loạt với mức thuế than mới là 2,5 đồng; mức thuế than ở Nam kì tăng từ 5,58 đồng lên 7,5 đồng (năm 1929).

Tổng số tiền thu thuế ở 3 kì giai đoạn 1912- 1929 tăng gấp 3 lần giai đoạn trước. Trong hoàn cảnh bình thường, mức thuế đó đã nặng; trong những lúc đói kém, mất mùa, khủng hoảng kinh tế, mức thuế đó trở thành một gánh nặng khủng khiếp. Tính chung, không kể già trẻ lớn bé gái trai, mỗi người dân VN phải chịu 8 đồng tiền thuế, tương đương 70kg gạo hạng nhất tại thời điểm đó.

Bên cạnh các loại thuế, chính quyền thực dân còn bắt nhân dân VN mua các loại công trái, quốc trái để lấy tiền xây dựng các công trình công cộng hoặc phục vụ mục đích quân sự; không muốn mua cũng bị ép mua. Chỉ tính riêng số công trái phát hành trong những năm khủng hoảng kinh tế cũng vẫn đem về cho chính quyền thực dân khoảng 150 triệu đồng.

4- Chia rẽ dân tộc, chủng tộc

Chính sách xã hội của thực dân Pháp đối với các giai tầng xã hội khác nhau là khác nhau.

Với các tầng lớp trên như: những người hữu sản, giàu có, quyền lợi ít nhiều gắn liền với chính quyền thực dân, chúng dành cho những đặc quyền đặc lợi cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Với các tầng lớp dưới, thực dân Pháp chủ trương tăng cường bóc lột, đàn áp và đẩy họ vào vòng tăm tối của chế độ ngu dân.

Bên cạnh sự phân biệt giai cấp như trên, các chính sách của Pháp còn thể hiện sự phân biệt chủng tộc trắng trợn. Tất cả mọi người Pháp đều được ưu tiên trong mọi vị trí, mọi công việc, mọi thời gian; còn người Việt đều bị coi thường, khinh rẻ. Người Việt cho dù có tốt nghiệp các trường cao đẳng, thậm chí là học từ Pháp về, cũng không bao giờ được coi ngang bằng với người Pháp cũng học trường đó; bằng cấp ngang nhau nhưng chức vụ và mức lương của người Pháp luôn cao hơn người Việt cùng vị trí, cùng công sở.

5- Chính sách văn hoá, giáo dục và những chuyển biến mới.

Những năm sau chiến tranh TG1, cùng với sự biến đổi trong cơ cấu kinh tế và giai cấp xã hội, tình hình giáo dục, đời sống tư tưởng, văn hoá và tâm lí ở VN cũng có nhiều chuyển biến.

* Những chuyển biến trong giáo dục:

Cuối 1917, Toàn quyền Xa-rô ban hành nghị định về “Học chính Tổng quy” để cải cách hệ thống giáo dục(đây là cuộc cải cách giáo dục lần 2, lần 1 của Toàn quyền Bô vào 1906). Trong thời kỳ cải cách giáo dục lần 2(1917-1929) thực dân Pháp chủ trương nhanh chóng xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học(thực tế thì kì thi Hương cuối cùng là vào năm 1919), đồng thời tiếp tục mở rộng hệ thống giáo dục Pháp-Việt. Theo tinh thần của “Học chính Tổng quy”, nền giáo dục bao gồm 2 bộ phận: các trường Pháp chuyên dạy học sinh người Pháp theo chương trình “Chính quốc” Pháp và các trường Pháp-Việt chuyên dạy người Việt theo chương trình “Bản xứ”. Toàn bộ hệ thống giáo dục chia làm 3 cấp: Tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Thời gian theo học cụ thể là: tiểu học 5 năm, sau khi hoàn thành chương trình và thi đỗ tốt nghiệp được nhận bằng tiểu học và được thi vào trường trung học; bậc Trung học, học trong 4 năm(trung học Đệ nhất cấp).

Năm 1923, Toàn quyền Méc-lanh thay Xa-rô, có một số thay đổi và điều chỉnh trong chương trình cải cách giáo dục ở VN. Theo đó từ 1924 trở đi, với chương trình “bình diện” nhằm mục đích hạn chế bớt việc đi học của thiếu nhi, thanh niên VN, học sinh sau khi học xong 3 năm bậc sơ đẳng phải thi lấy bằng “Sơ học yếu lược”, rồi mới được lên lớp trên, học hết 2 năm nữa lại phải thi lấy bằng tốt nghiệp “Tiểu học Bổ túc Bản xứ”, nhưng ngay ở 3 năm đầu đó học sinh người Việt đã phải học bằng tiếng Pháp nên rất nhiều trẻ em nông thôn không thể theo học; việc quy định hạn tuổi các cấp cũng rất chặt chẽ càng làm giảm bớt số học sinh muốn đi học.

Để củng cố và hoàn chỉnh một bước giáo dục Trung học, năm 1927 Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định đặt thêm bằng “Tú tài Bản xứ”, tức bằng “Trung học Đệ nhị cấp”, được coi tương đương với bằng “Tú tài Tây học” theo đúng chương trình bên Pháp; những người có bằng “Tú tài Bản xứ” có thể thi vào các trường cao đẳng, đại học ở Đông Dương và bên Pháp.

Bên cạnh các trường phổ thông(Tiểu-Trung học), chính quyền thuộc địa cũng cho xây dựng các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, như các trường Bách Công, Bách Nghệ; ở một số thành phố lớn, các học sinh có bằng tốt nghiệp tiểu học được quyền thi vào các trường này.

Để thủ tiêu và thay thế các trường đào tạo quan lại phong kiến, thực dân Pháp đã giải tán 2 trường “Sĩ hoạn” ở Hà Nội và “Hậu bổ” ở Huế vào năm 1917, quyết định thành lập trường “Pháp-Chính” để đào tạo quan lại cai trị cho chính quyền thuộc địa ở VN và Đông Dương, đặt trực thuộc Đại học Đông Dương, do Giám đốc Đại học Đông Dương quản lí.

Một số trường cao đẳng khác cũng được thành lập, thuộc các ngành sư phạm, công chính, thương mại. Năm 1918 lập thêm trường Cao đẳng Nông nghiệp; còn trường Y học Đông Dương sau 16 năm hoạt động được đổi tên thành trường Kiêm bị cao đẳng Y dược.

Như vậy, so với những năm đầu thế kỷ XX, giai đoạn sau chiến tranh TG1 nền giáo dục VN có nhiều thay đổi về hệ thống tổ chức, cơ cấu ngành nghề và nội dung đào tạo.

Về số lượng trường học và những người đi học, đến niên khoá 1922-1923(5 năm sau thực hiện cải cách giáo dục lần 2), ở VN có 3.039 trường tiểu học, 7 trường cao đẳng tiểu học và 2 trường trung học; số học sinh gồm 163.110 người. Từ niên khoá 1923-1925 đến 1930, số học sinh tăng từ 187.000 người lên 434.335 người, trong đó có cả học sinh trường công và tư với các cấp học từ vỡ lòng đến trung học.

Riêng số sinh viên mới chỉ chiếm một số rất nhỏ trong số những người đi học. Năm học 1922-1923 có 436 sinh viên cao đẳng, trong đó: 106 người học ngành Y, 104 ngành Công chính và 41 người ngành Sư phạm. Niên khoá 1929-1930, tổng số sinh viên là 551 người.

Ngoài ra phải kể đến bộ phân học sinh các trường chuyên nghiệp và kĩ nghệ thực hành, trong đó đến năm học 1929-1930, riêng Bắc Kì có 900 học sinh chuyên nghiệp và học nghề.

Đáng chú ý là đa số học sinh các lớp cao(cao đẳng tiểu học, trung học) và sinh viên đại học đều là con em nhà khá giả, có địa vị trong xã hội; còn các gia đình nông dân thì may lắm cũng chỉ cho con em theo học các lớp chữ Hán hay Quốc ngữ ở trường làng; do đó số trẻ em thất học vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn, 7-8 phần 10 số người ở độ tuổi đi học.

Số lượng giáo viên cũng tăng nhanh so với đầu thế kỷ. Theo thống kê của chính quyền Pháp, năm 1930 ở VN có 12.000 giáo viên các cấp.

Trong nghiên cứu khoa học, ngoài các cơ quan và viện nghiên cứu đã thành lập từ đầu thế kỷ, thực dân Pháp còn xây thêm một số cơ sở mới như: Túc Mễ cục, Viện Hải dương học, Hội đồng nghiên cứu khoa học(1928, thành viên là các kĩ sư, bác sĩ, các nhà quản lí các cơ quan khoa học và giáo dục). Mục đích của các cơ quan và tổ chức khoa học này là nhằm tìm hiểu và khai thác các nguồn tài nguyên, của cải của đất nước ta, phục vụ yêu cầu lợi nhuận của các nhà tư bản Pháp.

Sự nghiệp Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cũng có những tiến bộ đáng kể. Số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công và tư có tăng lên. Việc thành lập Viện Patxtơ với các chi nhánh của nó đã góp phần nghiên cứu, sản xuất một số vắc-xin chữa bệnh cho người Pháp và người Đông Dương. Số bác sĩ, y sĩ, y tá, dược sĩ và nhân viên y tế cũng tăng lên. Tuy nhiên đến 1929, trên toàn Đông Dương(20.900.000 dân, trong đó có 43.000 người Âu) chỉ có 761 thầy thuốc(trung bình 1 thầy thuốc/30.000 dân). Một số bệnh nan y như: dịch tả, sốt rét, đậu mùa, lao phổi có xu hướng tăng. Phần lớn các gia đình nông dân và thị dân nghèo không có tiền khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, buộc phải tự chạy chữa theo lối cổ truyền.

* Đời sống văn hoá-nghệ thuật

Sau chiến tranh TG1, đời sống kinh tế-xã hội VN có nhiều biến đổi: một số ngành kinh tế mới như: ngân hang, công nghiệp chế biến, cơ khí… đã hình thành; các đô thị được mở mang; các lực lượng xã hội mới như công nhân, tư sản, tiểu tư sản cũng ra đời và ngày càng phát triển; hệ thống giáo dục Pháp-Việt mở rộng hơn trước; tầng lớp học sinh-sinh viên, công chức, trí thức ngày càng đông đảo; các cơ sở in ấn và xuất bản xuất hiện ở khắp 3 kì; hang chục tờ báo Pháp ngữ và Quốc ngữ ra đời.

Trong bối cảnh trên, các trào lưu tư tưởng mới, các thành tựu khoa học kĩ thuật, văn hoá, nghệ thuật từ phương Tây thông qua các sách báo nước ngoài đã ồ ạt tràn vào trong nước, thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ tiếp xúc giữa 2 nền văn hoá Á-Âu, Đông-Tây ở VN. Việc in ấn, xuất bản và giới thiệu các công trình về khoa học tự nhiên, triết học, luật học của các học giả phương Tây đã góp phần làm thay đổi phương pháp tư duy, nghiên cứu trong một số trí thức tân học, hình thành phương pháp tư duy duy lí tồn tại bên cạnh lối tư duy duy cảm của người VN.

Giai đoạn 1919-1930 được xem như giai đoạn giao thời, chuyển tiếp của lịch sử dân tộc. Trong giai đoạn đó dường như có sự giao thoa, đan xen và tồn tại đồng thời giữa các yếu tố văn hoá truyền thống và văn hoá ngoại lai, giữa nền văn hoá nô dịch của các nhà tư bản thực dân và một nền văn hoá mới đang nảy sinh và dần dần phát triển trong long xã hội thuộc địa VN.

Thực dân Pháp ra sức sử dụng vũ khí văn hoá để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa, tuyên truyền chính sách hợp tác Pháp-Việt. Chính quyền Pháp ưu tiên xuất bản các sách báo phổ biến tư tưởng Âu châu, cho Phạm Quỳnh ra “Nam Phong tạp chí” thay “Đông Dương tạp chí” của Nguyễn Văn Vĩnh; cho lập “Hội khai trí tiến đức” tập hợp những người thuộc các tầng lớp trên trong xã hội lúc đó. Trên tờ Nam Phong tạp chí và các báo chí thực dân, một số học giả VN thân Pháp ra sức viết bài tán dương chủ trương “Pháp-Việt đuề huề”, thừa nhận chế độ cai trị của Pháp, tuyên truyền và ca ngợi văn minh Pháp là nền văn mình cao nhất của phương Tây…

+ Tuy nhiên bên cạnh đó, một nền văn hoá mới của dân tộc VN cũng đang trên đường hình thành và phát triển mạnh mẽ:

Sau chiến tranh TG1, văn học mới đã chiếm được ưu thế trên văn đàn và đã được công chúng thành thị đón nhận với tấm lòng ưu ái. Nhiều truyện ngắn đã được đăng tải trên các báo chí ở Hà Nội, lúc đầu là của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, rồi Tản Đà, Nguyễn Công Hoan. Các truyện như: Sống chết mặc bay(Phạm Duy Tốn-1918), Câu chuyện một tối của người tân hôn(Nguyễn Bá Học-1921) đều có giá trị hiện thực phê phán nhất định.

Về tiểu thuyết, năm 1916 Tản Đà cho ra đời tác phẩm “Giấc mộng con”. Nhưng nổi bật hơn cả trong những năm 20 là tiểu thuyết “Tố Tâm”(năm 1925) của Hoàng Ngọc Phách, lần đầu tiên trong văn học VN, lối kết cấu “chương-hồi” được thay thế bằng lối kết cấu theo “quy luật tâm lí”; lần đầu tiên các tập tục tâm lí truyền thống của Nho giáo đã bị phê phán gay gắt, tự do cá nhân được ca ngợi, bảo vệ; có thể nói “Tố Tâm” chưa đạt tới một tiểu thuyết “lãng mạn chủ nghĩa” song nó đã mở ra con đường tiến tới “chủ nghĩa lãng mạn” của văn học VN.

Từ sau 1925 còn có thêm các tiểu thuyết: Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, Sóng hồ Ba Bể của Phạm Bùi Cầm, Nho phong và Người quay tơ của Nguyễn Tường Tam. Báo Phụ nữ Tân văn dành nhiều kỳ để in tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ngoài ra một số tiểu thuyết lịch sử viết về các anh hung dân tộc và các chiến công của cha ông thuở trước đã xuất hiện như: Tiếng sấm đêm đông, Lê Đại Hành, Việt-Thanh chiến kỷ, Vua Bố Cái.v.v. của Nguyễn Tử Siêu.

Về nghệ thuật tuồng có Hoàng Tăng Bí, chèo có Nguyễn Đình Nghi.

Về kịch nói, năm 1922 vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long đã được diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Từ đó các vở kịch nối tiếp nhau ra mắt độc giả: Toàn án lương tâm và Tây Sương tân kịch của Vũ Đình Long; Bạn và Vợ, Thủ phạm là tôi, Giời đất mới của Nguyễn Hữu Kim; Uyên ương, Hoàng Mộng Diệp của Vi Huyền Đắc; Ông Tây An Nam, Chàng ngốc của Nam Xương.v.v.

Về thơ, cuối những năm 20 xuất hiện tập thơ khóc vợ Linh Phượng ký của Đông Hồ và tập thơ khóc chồng Giọt lệ thu của Tương Phố.

Có thể nói, hầu hết các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói và thơ trong thời gian này đều hướng vào mục đích phê phán tình trạng thối nát của xã hội đương thời, nêu lên những xung đột giữa các quan điểm phong kiến cũ và tư tưởng tư sản mới nảy sinh, đả kích những kẻ trưởng giả học đòi làm sang, phơi bày những cảnh lầm than, khốn khó của quần chúng lao động bị bọn thực dân, địa chủ, quan lại ức hiếp, bóc lột; đồng thời nói lên tình cảm yêu nước thương nòi và sự bất lực, chán chường của tầng lớp tiểu tư sản trí thức thành thị trước thời cuộc.

Trong các ngành nghệ thuật hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc… cũng có những biến đổi nhất định. Các mô típ và tư tưởng nghệ thuật phương Tây ngày càng có ảnh hưởng sâu đậm trong phương pháp tư duy và sang tác của các nghệ sĩ VN, thể hiện qua các bức tranh, bức tượng, nhà cửa do họ làm ra. Tuy nhiên, các mô típ mĩ thuật truyền thống, nhất là trong kiến trúc xây dựng đình chùa, nhà cửa ở nông thôn, vẫn đóng vai trò chủ yếu trong các xu hướng mĩ thuật bấy giờ. Đội ngũ nghệ sĩ mĩ thuật chủ yếu là những nghệ sĩ dân gian như thợ mộc, thợ nề, thợ thêu, thợ chạm, thợ tạc tượng, thợ gốm, thợ đúc chuông.. Các loại hình nghệ thuật mới chịu ảnh hưởng hay mô phỏng của phương Tây mặc dù đã phát triển và mở rộng hơn trước, nhưng chưa đủ sức lấn át các mô típ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tóm lại, từ sau chiến tranh TG1 đến 1930 là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của dân tộc VN. Nhưng trong khoảng thời gian đó đã diễn ra những biến đổi sâu sắc và mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, giáo dục và văn hoá, tư tưởng và tâm lí… Cùng với sự chuyển mình của phong trào dân tộc, nhất là sự lớn mạnh của xu hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa, một mô hình giáo dục hiện đại và một nền văn hoá mới đang trên đường hình thành và phát triển, tạo tiền đề thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như cho các giai đoạn phát triển tiếp sau của dân tộc VN.

III- Tình hình phân hoá các giai cấp

Vào thời kì này, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ nền kinh tế, nên những lực lượng gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp vẫn là những bộ phận quan trọng trong cơ cấu xã hội.

1- Giai cấp địa chủ

Trong khi các thành phần kinh tế TBCN có những bước phát triển mạnh hơn thời kỳ trước thì các thế lực của giai cấp địa chủ vẫn không bị suy giảm chút nào, trái lại còn được củng cố, phát triển lớn mạnh hơn trước. Thế lực đó được củng cố vững chắc nhất thông qua sự tập trung ngày càng cao ruộng đất-tư liệu sản xuất cơ bản trong nông nghiệp-vào tay giai cấp địa chủ dưới sự che chở của thực dân Pháp.

– Ở Bắc Kì: do bình quân ruộng đất thấp, số chủ ruộng có từ 5 mẫu(1,8ha) trở lên đã được tính là địa chủ và số chủ ruộng có từ 50 mẫu trở lên được coi là đại địa chủ.

Năm 1930, số địa chủ vừa và nhỏ(5-50mẫu)chiếm 8,4% số chủ ruộng và khoảng 20% diện tích canh tác; có 1060 đại địa chủ chiếm 0,1% số chủ ruộng chiếm 20% diện tích canh tác; số chủ ruộng có diện tích dưới 1 mẫu (0,36ha) chiếm 61% số chủ ruộng.

– Ở Trung Kì: gồm 39.500 chủ đất có 5-50 mẫu ruộng, chiếm 6% tổng số chủ ruộng và 15% diện tích canh tác; có 350 đại địa chủ sở hữu trên 50 mẫu bằng 1,4% tổng số chủ ruộng, chiếm 10% diện tích canh tác.

– Ở Nam Kì: diện tích đất canh tác tăng nhanh và mức độ tập trung ruộng đất rất cao so với Bắc và Trung Kì. Vào năm 1930, số chủ ruộng có 5-100 ha là 69.000 người chiếm 25,7% số chủ ruộng và 45% diện tích canh tác(khoảng 1.035.000 ha); có 2.449 đại địa chủ sở hữu 100-500 ha và 244 đại địa chủ có trên 500 ha.

Nói chung, lực lượng địa chủ thời kỳ này chiếm khoảng 7% cư dân nông thôn, nhưng nắm giữ 50% diện tích canh tác. Cho đến sát chiến tranh TG2, toàn VN có khoảng 6.500 địa chủ có sở hữu trên 50ha ruộng đất, trong đó Nam Kì có 6.200, Bắc Kì có 200 và Trung Kì có 100 người. Đó là những cơ sở tạo nên thế lực kinh tế, đồng thời là công cụ bóc lột của giai cấp này đối với nông dân.

Đa số địa chủ đem RĐ phát canh thu tô. Tô có thể là hiện vật hoặc bằng tiền, song chủ yếu là tô hiện vật, gồm các sản phẩm thu được từ đất canh tác. Ở Nam Kì có 345.000 gia đình nông dân chuyên sống bằng lĩnh canh RĐ của địa chủ, chiếm 57% tổng số hộ nông dân; 63% RĐ được đem phát canh và số chủ ruộng có phát canh lên đến 90.285 người. Ở Bắc Kì, số người lĩnh canh RĐ và tá điền là 275.000 người, chiếm 24% cư dân nông thôn. Ở Trung Kì, số tá điền và người lĩnh canh khoảng 100.000 người, chiếm 13% cư dân nông nghiệp.

Ở các vùng miền núi, hình thức bóc lột chủ yếu của địa chủ với nông dân là địa tô lao dịch.

Do các quy chế của chính quyền thực dân đề ra qua các cuộc “cải lương hương chính”, như lựa chọn các thành phần có “tài sản và danh giá”, trung thành với chế độ thực dân.v.v. đưa vào bộ máy chính quyền cơ sở nên địa vị của giai cấp địa chủ trong nông thôn được nâng cao và củng cố vững chắc. Giai cấp địa chủ chiếm đa số trong cơ cấu chính quyền các hương thôn(Hội đồng tộc biểu, Hội đồng kì mục, Xã trưởng, Tổng lí…). Ngoài ra thực dân Pháp còn tạo điều kiện và những cơ sở pháp lí cho giai cấp địa chủ tham gia vào các tổ chức chính quyền bên trên(Hội đồng dân biểu, Hội đồng quản hạt…). Do đó , sự câu kết giữa giai cấp địa chủ với thực dân Pháp càng được củng cố vững chắc hơn.

2- Giai cấp nông dân

Là thành phần chiếm đại đa số trong xã hội VN với khoảng 90% dân số. Trong quá trình sản xuất, giai cấp nông dân cũng dần bị phân hoá thành 3 tầng lớp: trung nông, bần nông, cố nông.

Trung nông: có tương đối đủ RĐ và công cụ sản xuất(trâu, bò, nông cụ…) để tự sản xuất và nuôi sống mình, không phải bán sức lao động, nhưng cũng không có khả năng tham gia vào việc bóc lột người khác. Tuy nhiên đó chỉ là những đặc điểm có tính chất tương đối. Một số trung nông lớp dưới vẫn phải bán sức lao động(tuỳ thời điểm) và một số có tham gia bóc lột qua việc cho lĩnh canh RĐ dư hoặc phát canh lại RĐ lĩnh canh của địa chủ như ở Nam Kì.

Bần nông: là những người thiếu RĐ canh tác, thiếu trâu bò và nông cụ sản xuất, phải lĩnh canh(thêm) RĐ của địa chủ, thuê mướn trâu bò, nông cụ và tiền vốn.

Cố nông: là tầng lớp nghèo khổ nhất, bần cùng nhất trong giai cấp nông dân. Họ thường không có RĐ, không có trâu bò hay nông cụ. Nguồn sống chính là đi lĩnh canh RĐ, làm thuê, đi ở cho nhà giàu. Theo điều tra năm 1945, ở 16 tỉnh miền Bắc có 11.785 hộ cố nông chiếm 20,6% tổng số nông hộ, nhưng chỉ có 1.513 mẫu 7 sào ruộng chiếm 1,2% tổng số RĐ.

Tóm lại, thời kỳ này giai cấp nông dân chiếm 90% dân số nhưng chỉ có 42% diện tích canh tác. Nông dân bị bóc lột nặng nề, nhưng lại không có lối thoát. Một số lớn bị bần cùng hoá, phải bỏ ra các thành thị, hầm mỏ để kiếm việc, song phần nhiều phải quay về vì không kiếm nổi việc; những năm khó khăn, khủng hoảng kinh tế, tình trạng này càng phổ biến. Đó là con đường bần cùng không lối thoát của nông dân VN thời Pháp thuộc.

Bên cạnh các giai cấp đại diện cho xã hội VN truyền thống, các giai tầng mới cũng xuất hiện và ngày càng phát triển, phân hoá rõ rệt.

3- Giai cấp tư sản

Trước Thế chiến I, tư sản VN chỉ là một tầng lớp nhỏ bé, chủ yếu kinh doanh thương nghiệp, hoạt động sản xuất còn rất hạn chế. Từ sau chiến tranh, hoạt động kinh doanh của tư sản VN được mở rộng và có quy mô lớn hơn. Họ kinh doanh trong hầu hết các ngành kinh tế: xay xát, in ấn, dệt, nhuộm, vận tải, sửa chữa cơ khí, sản xuất sơn, xà phòng, đường, nước mắm, đồ gốm.v.v. Một số đã có trong tay những sản nghiệp lớn như: hầm mỏ, đồn điền, các công ti thương mại… Một số đã có những cơ sở sản xuất thu hút vài trăm công nhân, mở rộng và phát triển nhanh chóng về thế lực kinh tế…

Tóm lại, tư sản VN đã thực sự hình thành một giai cấp xã hội vào những năm sau Thế chiến I. Tuy nhiên, do tác động của các điều kiện kinh tế-xã hội mới, nên sau chiến tranh, giai cấp tư sản tiếp tục phân hoá thành 2 bộ phận là Tư sản mại bản và Tư sản dân tộc.

– Bộ phận tư sản mại bản ngày càng đông đảo thêm cùng với tốc độ đầu tư của tư bản Pháp. Từ sau chiến tranh TGI, hang hoá Pháp nhập vào Đông Dương tăng nhanh, từ 1.641 triệu Phơ-răng mỗi năm(giai đoạn 1919-1923) lên tới 2.253 triệu Phơ-răng mỗi năm trong giai đoạn 1924-1928, do đó số người làm đại lí hang hoá cũng tăng lên. Bắt đầu xuất hiện những công ti có quy mô lớn, như: Tri Phú, Quế Dương(Hải Phòng), Đan Phong(Hà Nội), Thuận Hoà(Chợ Lớn)…

Số tư sản mại bản chuyên thầu khoán những công việc công chính, xây dựng cũng tăng lên. Chỉ riêng Bắc Kì những năm 1923-1927 đã có 449 nhà thầu khoán VN lĩnh trưng công việc công chính với số tiền trên 4 triệu Phơ-răng. Ngoài ra, còn có một số người chung vốn với tư bản Pháp kinh doanh công, nông nghiệp như Vũ Duy Hinh, Vũ Văn An…

Một số nhà tư sản VN đã có quan hệ buôn bán ở các nước Miên, Lào, Trung Quốc, Hồng Kông, Xingapo, Inđônêxia, Pháp. Hàng năm các công ti thương mại của VN đã nhập khẩu vào thị trường trong nước từ 3.000 đến 7.000 tấn hang hoá.

– Bộ phận tư sản dân tộc sau chiến tranh TGI cũng có bước phát triển vượt bậc về số lượng và thế lực kinh tế. Nhiều cơ sở kinh tế đã có từ trước và trong chiến tranh TG thứ nhất, nay được mở rông quy mô sản xuất và tăng cường thêm thiết bị kĩ thuật, như xưởng sơn của Nguyễn Sơn Hà, xưởng sửa chữa tàu của Bạch Thái Bưởi, xưởng dệt của Lê Phát Vĩnh… Nhiều đồn điền rộng hàng ngàn mẫu ở Nam Kì xuất hiện, thu hút hang trăm công nhân.

Bên cạnh đó, một số cơ sở mới được thành lập như: nhà máy gạch Hưng Kí ở Bắc Ninh, xí nghiệp dệt Vĩnh An ở Huế…

Nhìn chung, sau chiến tranh TGI, giai cấp tư sản VN đã lớn mạnh và trưởng thành rõ rệt. Đại diện cho thế lực kinh tế của tư sản VN là những người như: Trương Văn Bền, Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Lê Phát Vĩnh… Công ti tàu biển của Bạch Thái Bưởi đã có lúc sử dụng tới 30 chiếc tàu với 1.500 công nhân.

Tuy nhiên, địa vị kinh tế của tư sản VN còn rất nhỏ yếu và thấp kém so với tư bản nước ngoài, cũng như so với toàn bộ nền kinh tế. Tổng số  vốn kinh doanh của họ chỉ bằng khoảng 5% số vốn của tư bản nước ngoài. Tư sản VN chủ yếu kinh doanh thương nghiệp, trong các ngành công nghiệp thì lực lượng còn rất nhỏ(toàn bộ vốn đầu tư vào các ngành hầm mỏ, cơ khí, giao thông vận tải chỉ bằng 1% số vốn đầu tư của tư bản Pháp). Toàn bộ lực lượng nòng cốt của giai cấp tư sản VN vào cuối những năm 20 chỉ vào khoảng 2.000 người, chiếm 0,1% dân số cả nước.

Bên cạnh giai cấp tư sản ở thành thị, tầng lớp phú nông ở nông thôn cũng phát triển, song cũng rất chậm chạp. Vào những năm 30, lực lượng phú nông chiếm khoảng 2% số hộ nông dân và nắm khoảng 7% diện tích RĐ. Nhìn chung, tầng lớp phú nông ở VN không có khả năng tập hợp tư liệu sản xuất, nhất là RĐ, để phát triển thế lực kinh tế, họ không có sở hữu lớn về RĐ và các tư liệu sản xuất khác. Một bộ phận trong số họ-nhất là ở Nam bộ-phải lĩnh canh RĐ của địa chủ, và khi đã tập trung được khá nhiều RĐ thì một số lại trở lại phát canh thu tô, thay cho việc phát triển hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp.

Một trong những nguyên nhân khiến cho giai cấp tư sản VN phát triển “chậm một cách khác thường” là vì họ luôn bị chèn ép và cản trở từ nhiều phía. Tư bản Pháp, với uy thế của kẻ thống trị, đã ra sức chèn ép tư sản VN trong kinh doanh, nhất là trong sản xuất công nghiệp. Trong thương nghiệp, tư sản VN không những gặp phải tư sản Pháp, mà còn gặp phải một lực lượng cạnh tranh nguy hiểm khác là tư sản người Hoa. Các hoạt động thương mại, từ buôn bán thóc gạo, xay xát, vận chuyển và xuất nhập khẩu đều bị tư sản Hoa kiều lũng đoạn triệt để. Trong nông nghiệp, quan hệ tư bản chủ nghĩa lại bị giai cấp địa chủ với lối tổ chức sản xuất phong kiến cũ kìm hãm nặng nề.

Quá trình phát triển của tư sản VN từ sau chiến tranh TGI là quá trình lớn mạnh và chuyển biến từ một tầng lớp xã hội sang một giai cấp xã hội, và bắt đầu bước lên vũ đài chính trị, góp phần mình vào các phong trào dân tộc. Tuy vậy, vì cơ sở kinh tế của giai cấp tư sản VN hết sức nhỏ yếu nên thái độ chính trị của họ rất bạc nhược. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau Thế chiến I, vai trò chủ yếu thuộc về tầng lớp tiểu tư sản chứ không phải tư sản; và sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái(1930) bị thất bại thì vai trò chính trị của giai cấp tư sản hầu như chấm dứt.

4- Giai cấp công nhân

Giai cấp công nhân VN ngày càng đông đảo thêm theo đà phát triển đầu tư vào các ngành kinh tế. Năm 1929, riêng số công nhân làm trong các doanh nghiệp của người Pháp ở Đông Dương(chủ yếu ở VN) là 221.050 người. Ngoài ra, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư sản VN và nước ngoài khác cũng chiếm khoảng vài vạn người. Chưa kể, luôn luôn tồn tại một số lượng đáng kể công nhân thời vụ theo các hợp đồng của tư sản.

Đông đảo nhất trong giai cấp công nhân VN là công nhân nhóm ngành công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải và thương nghiệp gồm 86.622 người, chiếm 39,2% tổng số công nhân, tập trung ở các thành thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Sài Gòn, Chợ Lớn. Bộ phận đông đảo thứ hai là số công nhân các đồn điền tập trung chủ yếu ở Nam Trung kì và Tây Nam kì với 81.188 người, chiếm 36,8% tổng số công nhân. Tiếp đến là đội ngũ công nhân mỏ với 53.240 người, chiếm 24,6% tổng số công nhân, tập trung chủ yếu ở vùng Quảng Yên, Đông Triều.

Một số công nhân qua con đường tuyển mộ cưỡng bức, nhất là số công nhân đồn điền. Một số chỉ vô sản hoá nửa vời(bán vô sản), nhất là số công nhân theo mùa, phu công nhân. Trình độ văn hoá của công nhân VN rất thấp, số người mù chữ đông. Tính chất vô sản hiện đại của họ cũng bị hạn chế bởi việc sử dụng quá rộng rãi lao động thủ công trong các ngành sản xuất, kinh doanh(hiện tượng phổ biến trong quá trình sản xuất là giới chủ sử dụng lao động chân tay một cách triệt để; trong hầm mỏ, các hoạt động đào, xúc, chuyển than… đều chủ yếu sử dụng sức lao động chân tay của con người). Tính chung trong tất cả các ngành cho đến năm 1929, số công nhân kỹ thuật chỉ chiếm có 0,43% tổng số công nhân. Điều kiện sống và lao động của công nhân nói chung rất khổ cực, họ thường làm việc từ 10 tiếng, cá biệt từ 12-16 tiếng một ngày, với đồng lương rẻ mạt, thêm vào đó thường xuyên bị đốc công, cai… áp bức, đánh đập tàn nhẫn. Do đó, giai cấp công nhân VN sớm có tinh thần đấu tranh. Mặc dù số lượng công nhân chiếm tỷ lệ chưa lớn trong tổng số dân VN(năm 1929 chiếm 1,1%) nhưng họ sống khá tập trung tại các thành thị lớn, các trung tâm công nghiệp(năm 1929, Hòn Gai-Đông Triều có tới 35.900 công nhân mỏ; Hà Nội có hơn 2 vạn công nhân trên tổng số 13 vạn dân; Vinh-Bến Thuỷ có 7.000 công nhân, chiếm 38% dân số). Tinh thần kỷ luật, ý thức đoàn kết của công nhân cũng được rèn giũa qua quá trình lao động và đấu tranh.

Do những đặc điểm trên, giai cấp công nhân VN đã sớm được giác ngộ ý thức giai cấp và nhanh chóng vươn lên nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Các phong trào đấu tranh do giai cấp công nhân tổ chức, tham gia ngày càng nhiều. Ý thức giác ngộ cách mạng của giai cấp công nhân ngày càng được nâng cao theo đà của các cuộc đấu tranh và của việc tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào VN. Từ 1930, với việc thành lập ĐCS VN, giai cấp công nhân VN đã chính thức giành được ngọn cờ lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

5- Giai cấp tiểu tư sản

Các tầng lớp tiểu tư sản thành thị thời kì này cũng ngày càng đông đảo cùng với quá trình mở mang các đô thị, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế-văn hoá-giáo dục. Họ bao gồm thợ thủ công, thị dân, học sinh-trí thức với địa bàn cư trú chủ yếu ở các thành thị. Họ được bổ sung lien tục trong quá trình 30 năm phát triển kinh tế-xã hội và đã hợp thành một tầng lớp rất đông đảo trong xã hội.

Giới trí thức và học sinh các trường là bộ phận quan trọng của đội ngũ tiểu tư sản. Năm 1929, ước tính có 12.000 giáo viên các trường tiểu-trung học. Số học sinh phổ thông các cấp là 335.545 người(trong đó, 328.000 học sinh tiểu học, 7.545 học sinh trung học). Bên cạnh đó là hang trăm sinh viên các trường cao đẳng và đại học.

Số viên chức làm việc trong các công sở gồm khoảng 23.000 người.

Số người buôn bán nhỏ có đóng thuế môn bài thường xuyên khoảng 130.000 người.

Còn về hoạt động công nghiệp, theo ước tính vào giữa những năm 30, VN có khoảng 21,6 vạn thợ thủ công(trong đó Bắc kì là nơi tập trung đông nhất với khoảng 12 vạn, Trung kì 3,6 vạn, Nam kì 6 vạn); đó là chưa kể số thợ thủ công không chuyên trong các làng mạc chưa thể thống kê được. Cũng theo ước tính, số thợ thủ công chiếm khoảng 6-7% dân số(Bắc kì có khoảng 4 vạn gia đình chuyên làm nghề thủ công). Đa số thợ thủ công làm việc ở nông thôn, họ tự mua nguyên liệu, tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy những thợ thủ công này không có khả năng tự chuyển các cơ sở sản xuất thành các công trường thủ công, mà chỉ giữ nguyên cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ vốn có.

Nói chung, thu nhập và đời sống vật chất của trí thức và giới công chức khá cao so với nông dân và công nhân. Trong các công sở, lương của viên chức nhỏ khoảng 49 đồng/năm, viên chức trung bình là 166 đồng/năm(trong khi giá gạo vào thời điểm cao nhất trong năm 1930 là 13,1 đồng/tạ). Tuy nhiên, so với thu nhập của các viên chức người Pháp, thì thu nhập của viên chức người Việt vẫn thấp hơn rất nhiều lần(viên chức Pháp thu nhập trung bình 5000 đồng/năm, gấp 30 lần viên chức trung bình và trên 100 lần thu nhập của viên chức nhỏ người Việt; lương 1 người gác cổng Pháp cao gấp 3,5 lần lương 1 kỹ sư VN). Sự bất bình đẳng này gây nên tâm lí bất mãn ngày càng sâu sắc trong giới công chức người bản xứ.

Do tác động của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, dân số thành thị tăng lên nhanh chóng. Từ 1913 – 1921, Hà Nội tăng thêm 10.000 người, Sài Gòn tăng 33.000, Hải Phòng tăng 40.000 người. Đến 1928, thành phố Nam Định có 38.000 dân, Hải Phòng 98.000 dân, Hà Nội 130.000 dân, Huế 41.000, Sài Gòn 125.000 và Chợ Lớn 192.000 dân.

Đầu những năm 20, dân số thành thị mới chiếm 3,6% tổng dân số, thì đến những năm 30 đã lên đến 8-10%, cá biệt như ở Sài Gòn-Chợ Lớn dân thành thị chiếm 14%.

Nhìn chung thời kì sau chiến tranh thế giới I, các tầng lớp, giai cấp mới đại diện cho phương thức sản xuất mới, đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn quá chậm chạp so với yêu cầu của sự tiến bộ xã hội. Các lực lượng xã hội mới vẫn chỉ là thiểu số, nắm trong tay một tiềm lực kinh tế hết sức hạn hẹp. Cơ cấu xã hội cổ truyền tuy đã bị biến dạng và xáo trộn khá mạnh, nhưng vẫn chưa bị phá vỡ và thay đổi căn bản. Tính chất thuộc địa tư bản chủ nghĩa trở thành thuộc tính nổi bật của xã hội VN vào thời kì này.

Dưới tác động của phương thức sản xuất TBCN do tư bản Pháp du nhập vào, nền kinh tế VN dần chuyển biến từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp sang nền kinh tế thuộc địa-tư bản chủ nghĩa. Có thể hình dung kết cấu kinh tế VN thời kì này có hai khu vực. Một khu vực hiện đại bao gồm công nghiệp hiện đại, thương nghiệp, các cơ sở tài chính và giao thông, các đồn điền công nghiệp; Và một khu vực truyền thống tập hợp các phương thức hoạt động truyền thống như nông nghiệp và thủ công nghiệp. Việc sử dụng phương thức kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa đã tạo ra bước phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất. Nền kinh tế hang hoá đã bắt đầu hình thành và phát triển ở một số khu vực sản xuất. Các sản phẩm làm ra không phải chỉ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dùng để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhờ có các hoạt động kinh tế với nước ngoài mà lần đầu tiên nền kinh tế VN đã vượt khỏi biên giới quốc gia để tiếp cận và từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Rõ ràng so với giai đoạn trước, nền kinh tế VN từ đầu thế kỷ XX đến những năm 30 đã có bước phát triển nhanh chóng và những chuyển biến căn bản. Quan hệ TBCN đã được mở rộng và giữ vị trí quan trọng trong nhiều ngành kinh tế.

Trên cơ sở biến đổi về kinh tế, các thành phần giai cấp xã hội tương ứng cũng dần biến đổi theo. Những lực lượng đại diện cho xã hội cũ  như địa chủ, nông dân ngày càng bị phân hoá sâu sắc: địa chủ thì giàu lên nhanh chóng, còn đa số nông dân thì rơi vào cảnh nghèo đói, bần cùng. Đồng thời các lực lượng xã hội mới như tư sản, công nhân, tiểu tư sản cũng bắt đầu xuất hiện và từng bước trưởng thành nhanh chóng cùng với sự mở rộng của các thành phần kinh tế mới-TBCN. Dân số tăng nhanh, các thị trấn và thị xã được mở rộng nhiều so với trước; bộ mặt thành thị và cả một số vùng nông thôn ven thị cũng thay đổi. Một số cơ cấu xã hội mới đang trên đường định hình và phát triển theo hướng TBCN.

Tuy nhiên, quá trình tư bản hoá của Pháp ở VN còn để lại nhiều hạn chế và những hậu quả nặng nề, mà hạn chế lớn nhất là đã tạo ra một cơ cấu kinh tế què quặt, mất cân đối và sự chuyển biến quá chậm của nền kinh tế, và do đó dẫn tới sự phân hoá thiếu triệt để của cơ cấu giai cấp xã hội.

Mặc dù vậy, sự ra đời và phát triển của các lực lượng xã hội mới đã tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết cho sự tiếp thu các quan điểm và tư tưởng mới, làm cơ sở động lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào dân tộc, đưa xã hội VN chuyển biến nhanh vào quỹ đạo vận hành của toàn nhân loại.

(Xem tiếp Chương VIII)