Chương VIII: Bước phát triển mới của phong trào dân tộc ở Việt Nam sau chiến tranh

So với các giai đoạn trước, phong trào dân tộc ở Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu có những chuyển biến mới cả về nội dung và hình thức biểu hiện. Những chuyển biến đó bắt nguồn từ những biến đổi trong kết cấu kinh tế-xã hội, cũng như trong tâm lí và tư tưởng.

Bên cạnh sự chi phối của các điều kiện kinh tế-xã hội trong nước, phong trào dân tộc ở Việt Nam thời kỳ này còn chịu sự tác động sâu sắc của tình hình trong khu vực và trên thế giới.

I- Bối cảnh thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Cuộc chiến tranh TG1 (1914-1918) về thực chất chỉ là một cuộc chiến tranh phân chia thế lực, khu vực ảnh hưởng và các thuộc địa giữa các cường quốc đế quốc. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hậu quả của nó để lại còn hết sức nặng nề cho toàn nhân loại. Khoảng 10 triệu người chết và 20 triệu người tàn phế. Các chi phí trực tiếp về quân sự của các nước tham chiến lên tới 200 tỉ đô la. Chiến tranh tàn phá hang loạt nhà máy, xí nghiệp, đường giao thông, nhà cửa, trường học, đồng thời đẩy nhiều nước tư bản vào tình trạng suy kiệt về tài chính.

Ngày 18/1/1919, đại diện của các nước thắng và bại trận trong 2 phe Đồng Minh và Hiệp Ước đã họp tại Vecxai để phân chia kết quả chiến tranh.

Anh, sau đó là Pháp, giành được nhiều quyền lợi nhất. Các nước bại trận, nhất là Đức, vừa mất thuộc địa, vừa phải bồi thường chiến phí lên đến trên 100 tỉ Mác. Kết quả của HN Vecxai cũng dẫn đến sự ra đời của một số quốc gia mới trên lãnh thổ của đế quốc Áo-Hung và một phần lãnh thổ mà Đức chiếm đóng trước kia(là Ba Lan, Tiệp Khắc, Áo, Hung, Nam Tư).

Từ đầu những năm 20 trở đi, các nước tư bản bước vào thời kì khôi phục và phát triển kinh tế, là thời kì ổn định cục bộ và tạm thời của CNTB thế giới.

Chiến tranh TG1 đã làm thay đổi vị trí và tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc, đồng thời đưa đến một hệ quả ngoài ý muốn của mọi nước tư bản: đó là Cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga 1917 thắng lợi dẫn đến sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Với thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga, hệ thống dây chuyền đế quốc chủ nghĩa thế giới bị chặt đứt, con đường cách mạng vô sản được khai thông, nối liền từ Tây sang Đông.v.v.

Dưới ảnh hưởng trực tiếp của cách mạng tháng Mười Nga và Chiến tranh TG1, phong trào đấu tranh chống đế quốc ở các nước tư bản phương Tây dâng lên mạnh mẽ. Đầu 1918, cách mạng công nhân bùng nổ ở Phần Lan. Tháng 10/1918, chế độ quân chủ ở Áo-Hung bị sụp đổ. Cũng trong năm đó, giai cấp công nhân Đức đã nổi dậy quật đổ chế độ quân chủ và thành lập chính quyền Xô-viết trong một thời gian. Tháng 3/1919, nước Cộng hoà Xô-viết Hung-ga-ri được thành lập và tồn tại hơn 4 tháng. Tại các nước tư bản khác như Anh, Pháp, Ý, Mĩ…, nhiều cuộc bãi công và đấu tranh của công nhân và lao động đã nổ ra khá rầm rộ.

Do sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, từ 1918 trở đi, tại nhiều nước châu Âu, các Đảng Cộng sản đã lần lượt được thành lập. Tháng 3/1919, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Quốc tế Cộng sản-tức Quốc tế III – đội tham mưu chiến đấu của giai cấp vô sản quốc tế đã ra đời tại Matxcơva. Quốc tế III đã tiến hành tuyên truyền tư tưởng cộng sản, đồng thời đề ra đường lối, phương hướng và trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ các nước thuộc địa và phụ thuộc trong cuộc đấu tranh chống ách nô dịch của CNTB phương Tây.

Ở châu Á, tháng 3/1919, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Triều Tiên chống Nhật Bản bùng nổ. Tháng 5/1919, phong trào Ngũ Tứ mang tính chất dân tộc dân chủ đã nổ ra và lan rộng khắp Trung Quốc thu hút hang triệu người tham gia. Tại Ấn Độ, phong trào bất hợp tác, chống lại sự thống trị của thực dân Anh cũng đã được sự tham gia đông đảo của nhân dân trong nhiều năm.

Tuy nhiên, từ những năm 1924-1925 trở đi, phong trào cách mạng thế giới tạm thời lắng xuống. Đối với các nước đế quốc, đây là thời kỳ vừa ra sức khôi phục, phát triển kinh tế, vừa ra sức bao vây, phá hoại Liên Xô-thành trì của cách mạng thế giới. Sự đối địch lúc ngấm ngầm, khi công khai, giữa 2 phe, 2 hệ thống có chế độ chính trị-xã hội khác nhau là TBCN và XHCN đã xuất hiện và trở thành đặc điểm lớn nhất của thời đại, của lịch sử thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở VN thời kỳ sau chiến tranh đã diễn ra và phát triển trong bối cảnh lịch sử đó.

II- Hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Ái Quốc(lúc nhỏ tên Nguyễn Sinh Cung, sau là Nguyễn Tất Thành) sinh ngày 19/5/1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cha là Nguyễn Sinh Sắc(1863-1929) đỗ Phó Bảng, bị ép ra làm quan, sau khi bị cách chức, ông chuyển sang làm nghề thầy thuốc. Mẹ Nguyễn Ái Quốc là Hoàng Thị Loan(1868-1900), là một phụ nữ có học, đảm đang.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, lớn lên từ một miền quê có truyền thống quật khởi, Nguyễn Ái Quốc từ rất sớm đã có “chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”. NAQ rất khâm phục tinh thần yêu nước của các chí sĩ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…, nhưng không tán thành con đường cứu nước của các bậc tiền bối.

Xuất phát từ long yêu nước, trên cơ sở rút kinh nghiệm thất bại của các thế hệ cách mạng đi trước, ngày 6/5/1911 Nguyễn Ái Quốc quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới hữu hiệu hơn. Khác với các thế hệ thanh niên đầu thế kỷ thường hướng về Nhật Bản, NAQ quyết định sang phương Tây, đến nước Pháp để tìm hiểu xem “nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi sẽ trở về giúp đồng bào mình”. Trong nhiều năm sau đó, NAQ đã đi qua nhiều nước ở các đại lục Á, Âu, Phi, Mĩ, đã phải làm nhiều nghề khác nhau như rửa bát, dọn tàu, quét rác.v.v. để sống và học tập. Nhờ đó, NAQ hiểu ở đâu bọn thực dân, đế quốc cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị áp bức, bị bóc lột dã man.

Vào cuối chiến tranh thế giới I, khoảng cuối 1917, NAQ từ Anh trở lại Pháp. Tại đây, hoạt động đầu tiên của NAQ là đấu tranh cho binh lính và thợ thuyền VN được sớm hồi hương trở về với gia đình. Năm 1919, NAQ gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ chủ trương chống lại các chính sách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp ở thuộc địa. Tháng 6/1919, nhân dịp các nước thắng trận trong chiến tranh TG I họp tại Vecxai, NAQ thay mặt những người VN yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị “Bản yêu sách của nhân dân VN” để tố cáo chính sách thực dân của Pháp và đòi chính phủ Pháp phải thực hiện các quuyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc VN.

Bản yêu sách gồm 8 điểm:

– Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị

– Cải cách nền pháp lí Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu. Xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam.

– Tự do báo chí và tự do ngôn luận

– Tự do lập hội và hội họp

– Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương

– Tự do học tập, thành lập các trường kĩ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ

– Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật

– Có đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho nghị viện biết được những nguyện vọng của người dân bản xứ.

Giữa năm 1920, NAQ được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo-cơ quan TW của ĐCS Pháp. NAQ cảm thấy vô cùng phấn khởi, tin tưởng, muốn nói to lên như đang đứng trước đông đảo quần chúng lao khổ: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. NAQ đã tìm thấy con đường cứu nước. NAQ khẳng định: “Chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Từ đó, NAQ hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế III.

Tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng XH Pháp ở Tua vào cuối 12/1920, NAQ đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III và tham gia sáng lập ĐCS Pháp. Hành động bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế III là sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt trong tư tưởng chính trị của NAQ, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Sự kiện đó chính là mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc VN một giai đoạn phát triển mới, “giai đoạn gắn phóng trào cách mạng VN đi theo con đường mà chính Người đã trải quan, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Sau này chính NAQ đã thừa nhận: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản đã làm tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ III. Từng bước một trong quá trình đấu tranh, vừa nghiên cứu lí luận Mác-Lênin vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Sau khi đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, từ 1921 trở đi, NAQ tiếp tục học tập để bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước của mình, đồng thời tích cực truyền bá chủ nghiã Mác-Lênin vào trong nước nhằm chuẩn bị về tiền đề chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng tiên phong ở VN, nhân tố cơ bản đầu tiên đảm bảo cho mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Giữa năm 1921 tại Pháp, NAQ cùng một số nhà cách mạng của Angiêri, Tuynidi, Marôc, Mađagaxca… thành lập Hội lien hiệp thuộc địa. Để tiến hành tuyên truyền đường lối và các hoạt động của Hội, NAQ và những người lãnh đạo Hội quyết định sang lập báo Le Paria(Người cùng khổ) vào ngày 1/4/1922. Tính đến năm 1926, báo Le Paria phát hành được 38 số, mỗi số in từ 1000 – 5000 bản, trong đó một nửa số báo được gửi đi các thuộc địa của Pháp ở châu Phi và Đông Dương.

Bên cạnh đó, NAQ còn tích cực tổ chức các buổi diễn thuyết, viết và đăng nhiều bài trên các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, tập san Thư tín quốc tế… Năm 1925, NAQ cho in tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp ở Pari.

Với tư cách là Trưởng Tiểu ban Đông Dương của ĐCS Pháp, NAQ cũng đã góp phần quan trọng vào việc tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa, đồng thời tiến hành tuyên truyền về tư tưởng Mác-Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp với các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Tháng 6/1923, NAQ bí mật từ Pari đến Matxcơva. Trong khoảng gần một năm rưỡi ở Liên Xô, NAQ ra sức tìm hiểu tình hình mọi mặt của chế độ Xô viết, tích cức nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa trong Quốc tế cộng sản; tích cực tham dự nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng như: Đại hội Quốc tế Nông dân, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội Quốc tế Thanh niên… Đặc biệt từ 17/6 – 18/7/1924, NAQ tham dự ĐH V của QTCS; tại đó NAQ đã trình bày một bản báo cáo rất quan trọng về vấn đề dân tộc và thuộc địa; bằng nhiều số liệu và tư liệu cụ thể, bản báo cáo đã làm sang tỏ và phát triển một số luận điểm của Lênin về bản chất của CNTD, về nhiệm vụ của các ĐCS trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột và giải phóng dân tộc ở các thuộc địa.

Như vậy, thời kỳ hoạt động ở Liên Xô là thời kì NAQ tiếp tục phát triển và hoàn chỉnh thêm tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua nghiên cứu thực tiễn và học tập trong các sách báo mác-xít. Nội dung tư tưởng chính trị của NAQ trong những năm 20 bao gồm những luận điểm cơ bản sau đây:

– NAQ chỉ rõ bản chất của CNTD là “ăn cướp” và “giết người”. Vì vậy, CNTD là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

– Cách mạng GPDT là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Cách mạng GPDT phải thực hiện đoàn kết và liên minh với cách lực lượng cách mạng quốc tế. Phải gắn liền sự nghiệp GPDT với giải phóng nhân dân lao động và giai cấp công nhân. NAQ nói: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của CNCS và cách mạng thế giới”.

Người cho rằng cách mạng GPDT ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ khăng khít biện chứng với nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng GPDT có thể bùng nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Ở đây, NAQ muốn nhấn mạnh tới vai trò tích cực chủ động của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức của CNTD.

– Ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân lại là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột nặng nề. Vì vậy, cách mạng GPDT muốn giành được thắng lợi cần phải thu phục lôi cuốn được nông dân đi theo, cần phải xây dựng khối liên minh công nông làm động lực của cách mạng. Đồng thời trên cơ sở lien minh công nông phải thu hút, tập hợp được sự tham gia rộng rãi của đông đảo các giai tầng xã hội khác vào trận tuyến đấu tranh của dân tộc.

– Cách mạng muốn giành được thắng lợi, trước hết phải có đảng cách mạng nắm vai trò lãnh đạo. Đảng muốn vững phải đi theo học thuyết Mác-Lênin. Đảng phải có đội ngũ cán bộ sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì mục đích của đảng, vì lợi ích và sự tồn vong của dân tộc, vì lí tưởng giải phóng giai cấp công nhân và nhân loại.

– Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chứ không phải việc của một vài người. Vì vậy cần tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao. Đây là quan điểm cơ bản đầu tiên của NAQ về nghệ thuật vận động quần chúng và tiến hành đấu tranh cách mạng.

Những quan điểm tư tưởng cách mạng trên đây của NAQ được giới thiệu trong các tác phẩm của Người, cùng các tài liệu Mác-xít khác đã theo những đường dây bí mật của ĐCS Pháp để chuyển về trong nước,  đến với các tầng lớp nhân dân VN, tạo ra một xung lực mới, một chất men kích thích phong trào dân tộc phát triển và nhanh chóng chuyển mình theo xu hướng cách mạng mới của thời đại. Cũng từ đây, những người yêu nước VN bắt đầu hướng về NAQ, một lãnh tụ cách mạng thiên tài đang như ngọn hải đăng chỉ đường dẫn lối đưa toàn thể dân tộc và nhân dân đi tới độc lập tự do.

III- Các hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài.

1- Phan Bội Châu và các hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở Trung Quốc.

Trung Quốc là nước láng giềng, đã trở thành nơi tụ họp và là địa bàn hoạt động của nhiều thế hệ người VN yêu nước. Năm 1912, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã nhóm họp và quyết định thủ tiêu Duy Tân hội, thành lập tổ chức VN Quang Phục hội, với đường lối đánh đuổi giặc Pháp “khôi phục nước VN, thành lập nền cộng hoà dân quốc VN”. Nhưng rồi VN Quang Phục hội cũng dần dần ta rã trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù.

Mùa hè 1913, Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam tại Quảng Châu. Sau bốn năm, cuối 1917, sau khi được thả ra khỏi tù, Phan Bội Châu dự định về nước phát động cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang, nhưng nghe tin Đức bị thua ở châu Âu, ông chán nản, bi quan. Trong tình cảnh ấy, Phan Bội Châu đã viết Pháp-Việt đuề huề luận(1918). Sự dao động của ông còn tiếp tục được thể hiện trong các tác phẩm như: Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa(1920), Thiên Hồ-Đế Hồ(1923). Tuy nhiên, ông quan niệm, đuề huề chỉ là sách lược. Phan Bội Châu trước sau vẫn là người thực tâm yêu nước, thương dân. Tháng 5/1919, Toàn quyền Xa-rô tìm cách mua chuộc ông bằng tiền bạc và chức tước, nhưng ông kiên quyết chối từ. Năm 1920, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của cách mạng tháng Mười Nga, Phan Bội Châu bắt đầu hướng đến một hệ tư tưởng mới-tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông đánh giá cao và có cảm tình lớn với cách mạng tháng Mười. Ông viết: “May thay! Đương lúc khói độc mây mù, thình lình có một trận gió xuân thổi tới. Đương giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình có một tia thái dương mọc ra. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy, là chủ nghĩa xã hội vậy”. Cuối 1920, Phan Bội Châu đã dịch ra chữ Hán cuốn “Điều tra chân tướng Nga-la-tư” của một tác giả người Nhật, rồi đưa đến giới thiệu với Đại sứ Nga ở Bắc Kinh. Trong cuộc tiếp xúc này ông đã ngỏ ý muốn gửi người VN sang Nga du học. Nhưng những tình cảm và việc làm của ông đối với Cách mạng tháng Mười Nga mới chỉ dừng lại ở bề ngoài, chưa phải bắt nguồn từ những thay đổi căn bản trong nhận thức tư tưởng của ông. Năm 1923, ở Trung Quốc diễn ra sự kiện Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản hợp tác; trước tình hình đó, Phan Bội Châu đã bàn với các đồng chí của mình cải tổ VN Quang Phục hội thành VN Quốc dân đảng, phỏng theo tổ chức Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn.

Ngày 18/6/1924, tại tô giới Sa Diện của Pháp ở Quảng Châu, đã diễn ra cuộc mưu sát Toàn quyền Méc-lanh của Phạm Hồng Thái. Khâm phục tinh thần yêu nước của người thanh niên họ Phạm, Phan Bội Châu đã viết Truyện Phạm Hồng Thái để ca ngợi hành động hi sinh anh hùng đó. Tháng 12/1924, được sự góp ý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu quyết định cải tổ VN Quốc dân đảng thành một tổ chức yêu nước tiến bộ. Sự kiện ấy chứng tỏ Phan Bội Châu vẫn luôn luôn là một người yêu nước chân thành, thực sự cầu thị, sẵn sàng thay đổi phương châm đường hướng, miễn là đạt được mục đích cuối cùng. Nhưng tiếc thay, ý định tốt đẹp đó chưa thực hiện được, thì Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp bắt vào tháng 6/1925 tại Hàng Châu. Cuối năm đó ông bị kết án tù, rồi đưa về an trí ở Huế. Từ đó trở đi, trong cuộc đời của một người tù bị giam lỏng, bị cách biệt với thực tế cuộc sống bên ngoài, Phan Bội Châu không thể vươn tới một tư tưởng mới, một trào lưu cách mạng mới nữa, tình cảm của ông đối với Cách mạng tháng Mười và Lênin vĩ đại chỉ còn được thể hiện qua việc treo ảnh của Lênin ở giữa nhà, hay viết sách Xã hội chủ nghĩa. Bản thân ông rốt cuộc không tránh khỏi tâm trạng cô quạnh, u buồn, thất vọng của một con người đã bị thời đại vượt qua, và cảm thấy mình bất lực, nhưng vẫn ngày đêm đau đáu một nỗi niềm yêu nước, thương dân.

Sau Chiến tranh TG1, nhiều thanh niên VN đã sang Trung Quốc, mong tìm kiếm con đường cứu nước cứu dân. Tiêu biểu cho lớp thanh niên ấy như: Đặng Xung Hồng, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu… Mùa xuân năm 1923, nhóm thanh niên này lập ra tổ chức Tâm Tâm Xã tại Quảng Châu. Lúc đầu, tổ chức này gồm 7 người là: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giản Khanh, Đặng Xung Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu, Nguyễn Công Viễn. Đầu năm 1924, Tâm Tâm Xã kết nạp thêm Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong. Về tôn chỉ mục đích, Tâm Tâm Xã chủ trương “Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân VN, không phân biệt ranh giới đảng phái; miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người VN”. Đường lối chung chung trên đây, chứng tỏ Tâm Tâm Xã chưa có lập trường tư tưởng rõ ràng. Mục tiêu chủ yếu nhất của tổ chức này là đoàn kết tất cả những người yêu nước VN chống Pháp, lập trường chính trị còn non nớt, mơ hồ, nặng về khủng bố ám sát cá nhân.

Để phát huy thanh thế, Tâm Tâm Xã đã đưa người về nước lien lạc với các sĩ phu yêu nước, trong số đó có Lương Văn Can, đồng thời tiến hành phân phát tài liệu ở một số nơi, nhằm gây tiếng vang thức tỉnh đồng bào trong nước. Tâm Tâm Xã cử Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn giết Toàn quyền Méc-lanh ở Sa Diện(Quảng Châu); sự việc không thành, Phạm Hồng Thái hi sinh anh dũng trên dòng Châu Giang, còn Lê Hồng Sơn trốn thoát và tiếp tục hoạt động. Sau này, Lê Hồng Sơn gia nhập VN cách mạng thanh niên hội, rồi vào Đảng cộng sản và được phân công làm việc trong Chi hội Việt Nam của Hội lien hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tháng 9/1932, Lê Hồng Sơn bị bắt giam ở nhà lao Vinh, rồi bị đưa về xử tử hình tại quê nhà(làng Xuân Hồ, Nam Đàn, Nghệ An).

Cuộc mưu sát Toàn quyền Méc-lanh không đạt kết quả, nhưng nó đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước. “Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu…, nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”.

2- Phan Châu Trinh và hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở Pháp.

Sau 3 năm bị đày ra Côn Lôn vì bị nghi ngờ lien quan đến cuộc vận động chống thuế ở Trung Kì(1908), năm 1911 Phan Châu Trinh cùng con trai (Phan Châu Dật) sang Pháp, mong vận động chính giới Pháp thả các chính trị gia VN bị bắt năm 1908. Năm 1912 ông cùng luật sư Phan Văn Trường lập Hội đồng bào thân ái tại Pháp. Cuối 1917 ông và Phan Văn Trường giúp đỡ NAQ tìm kiếm chỗ ở và việc làm khi NAQ từ Anh sang Pháp và gắn bó với nhau trong những năm tháng tiếp theo khi NAQ hoạt động ở Pháp.

Đầu 1922 Phan Châu Trinh đến Mac-xây, khi đó vua Khải Định được đưa sang Pháp dự cuộc “triển lãm thuộc địa” do thực dân Pháp tổ chức nhằm khuếch trương công lao “khai hoá” của chúng. Trong hoàn cảnh ấy, Phan Châu Trinh đã viết “Thất điều thư” kể 7 tội đáng chém của vua Khải Định (Tôn bậy quyền vua; Thưởng phạt không đúng; Thích quỳ lạy; Ăn tiêu xa xỉ; Ăn mặc lố lăng; Ăn chơi vô độ; Đi Pháp với mục đích không minh bạch). Bức thư đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, làm Khải Định một phen mất mặt.

Ngoài “Thất điều thư”, Phan Châu Trinh còn tổ chức diễn thuyết để phản đối Khải Định, phản đối chế độ quân chủ và quan trường ở VN. Phan Châu Trinh còn làm hang trăm bài thơ để bộc bạch tâm trạng và lập trường chính trị của mình. Ông vẫn chủ trương đường lối “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như hồi còn ở trong nước. Trong bức thư gửi cho NAQ đề ngày 18/2/1922, ông khuyên NAQ nên “trở về nơi thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế”. Ông ví mình như “cây già”, “hoa sắp tàn”; còn NAQ như “cây đương lộc”, “nghị lực có thừa, dầy công học hỏi, lí thuyết tinh thông”.

Tháng 6/1925, Phan Châu Trinh được giới cầm quyền Pháp cho về nước theo yêu cầu của ông. Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh cũng cùng về. Hàng ngàn người bao gồm đủ mọi tầng lớp, đông nhất là học sinh, thanh niên, đã ra đón các ông tận cảng Sài Gòn.

Tháng 11/1925, mặc dù đã rất yếu, Phan Châu Trinh vẫn tổ chức nói chuyện với các tầng lớp nhân dân Sài Gòn. Trong bài nói đầu tiên nhan đề “Đạo đức và luân lí Đông, Tây” và bài thứ hai là “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”, Phan Châu Trinh tiếp tục đả phá đạo Khổng Nho và chế độ quân chủ, đề cao dân quyền, dân chủ phương Tây. Những tư tưởng đó đặt trong bối cảnh những năm 20 của thế kỷ XX vẫn được coi là mới mẻ, do đó đã được nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, nhiệt tình hưởng ứng và ngưỡng mộ.

3- Các hoạt động yêu nước của công nhân và trí thức Việt Nam tại Pháp.

Cùng với hoạt động của nhà yêu nước lớn Phan Châu Trinh, đông đảo Việt kiều tại Pháp đã hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước, đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu sách báo cách mạng về trong nước để tuyên truyền, giác ngộ các tầng lớp nhân dân. Trong số hang vạn công nhân, thuỷ thủ người Việt bị thực dân Pháp đưa sang tham gia chiến tranh TG1, nhờ sự giúp đỡ của ĐCS Pháp, nhiều người đã dần dần được giác ngộ cách mạng, có người còn được đứng trong hang ngũ cộng sản. Một số thuỷ thủ VN đã được NAQ giới thiệu vào hoạt động trong Hội liên hiệp thuộc địa. Họ đã tích cực tham gia đưa các báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn đến các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng.

Do được tiếp thu tư tưởng XHCN và các kinh nghiệm đấu tranh ở châu Âu, nhiều trí thức và lao động VN tại Pháp đã dần dần đoàn kết lại trong các tổ chức yêu nước. Năm 1925, “Hội những người lao động trí óc Đông Dương” ra đời. Cuối 1927 ở Mác-xây lại xuất hiện “Hội bênh vực lao động An Nam”, ít lâu sau đổi tên thành “Hội liên hiệp lao động Đông Dương”.

Bên cạnh bộ phận Việt kiều hoạt động thiên về khuynh hướng tả, còn có một nhóm thanh niên, sinh viên xuất thân trong các gia đình địa chủ, tư sản vẫn tiếp tục chủ trương yêu nước trên lập trường dân tộc. Họ lập ra một tổ chức chính trị mang tên Đảng VN độc lập, đồng thời xuất bản báo Tái Sinh làm cơ quan phát ngôn của đảng. Đảng VN độc lập xây dựng được một vài chi bộ ở Pari và các tỉnh xung quanh, còn ở trong nước không có chỗ đứng trong nhân dân.

IV- Các hoạt động của giai cấp tư sản

Giai cấp tư sản VN ra đời sau giai cấp công nhân VN. Trong quá trình hình thành và phát triển, tư sản VN luôn bị tư sản nước ngoài cạnh tranh, chèn ép. Do hoàn cảnh đó, giai cấp tư sản vừa non yếu về kinh tế, vừa bạc nhược về chính trị.

Trước Chiến tranh TG1, tư sản VN chưa phải là một giai cấp, do đó chưa có hoạt động gì nổi bật. Phải đến thời kỳ sau Chiến tranh TG1, tư sản VN mới bước lên vũ đài chính trị và mới tiến hành một số hoạt động mang đặc điểm giai cấp rõ rệt.

1- Phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều(1919)

Bên cạnh sự kìm hãm của tư sản Pháp, tư sản VN còn phải đối phó với sự cạnh tranh của tư sản Hoa kiều. Tư sản Hoa kiều là lực lượng giữ vị trí thứ hai sau tư sản Pháp trong các hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu, thầu khoán, mộ phu… ở VN.

Để chống lại thế lực kinh tế của tư sản Hoa kiều, năm 1919 tư sản VN đã dấy lên phong trào “tẩy chay các chú” ở một số thành phố, thị xã như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Tại Hà Nội, người ta khuyên nhau không mua hang của “các chú”, tức người Hoa. Tham gia phong trào này, ngoài các nhà tư sản, còn có một số con em các gia đình địa chủ tư sản, học sinh. Họ nêu ra khẩu hiệu “Người An Nam không gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “Người An Nam mua bán với người An Nam”…

Trước sự phát triển của phong trào, thực dân Pháp lo sợ, đã vội vàng tìm mọi cách ngăn cản. Sau vài vụ bắt bớ của chính quyền Pháp, phong trào xẹp dần rồi tắt hẳn.

Phong trào tẩy chay “các chú” hay “khách trú” về thực chất chỉ là cuộc đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp giữa tư sản VN và Hoa kiều. Cuộc đấu tranh chứng tỏ mối mâu thuẫn giữa tư sản VN và tư sản nước ngoài đã trở nên gay gắt. Tuy nhiên, mũi nhọn đấu tranh của tư sản VN mới nhằm vào tư sản Hoa kiều, mà chưa dám hướng vào địch thủ trực tiếp là tư bản Pháp.

2- Đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn(1923)

Tiến thêm một bước so với phong trào “tẩy chay các chú”, lần này tư sản VN đã chĩa mũi nhọn đấu tranh vào tư sản Pháp.

Nhằm độc chiếm thị trường, năm 1923 thực dân Pháp mở cuộc vận động tại Hội đồng thuộc địa nhằm trao độc quyền kinh doanh tại cảng Sài Gòn cho một công ti Pháp. Trước quyết định này, giới tư sản và địa chủ Nam kì đã kịch liệt phản đối. Phong trào chống độc quyền cảng Sài Gòn đã diễn ra khá sôi nổi, lôi cuốn được sự tham gia ủng hộ của đông đảo thanh niên trí thức và tiểu tư sản ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kì. Một số cuộc mít tinh được tổ chức, nhiều tờ báo còn công khai phản đối quyết định của Hội đồng thuộc địa. Cuộc đấu tranh đã có tiếng vang sang tận nước Pháp, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tiến bộ ở Pháp.

Do sức ép của phong trào quần chúng cùng dư luận ở VN và Pháp, chính quyền Đông Dương buộc phải tạm hoãn thi hành quyết định của Hội đồng thuộc địa Nam kì.

Như vậy, cuộc đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn đã phản ánh những mâu thuẫn về quyền lợi giữa tư sản VN và tư bản Pháp. Nhưng cuộc đấu tranh này chỉ chống lại một công ti tư bản, chứ chưa phải chống lại toàn bộ ách cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước VN.

3- Hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng.

Đi đôi với các hoạt động đấu tranh kinh tế, tư sản VN còn xuất bản báo chí làm cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng cải lương chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh đòi một số quyền tự do dân chủ trong khuôn khổ chế độ thuộc địa. Hai tờ báo đóng vai trò cơ quan phát ngôn của giai cấp tư sản là “Diễn đàn Đông Dương”(La Tribune Indochinoise) và “Tiếng vang An Nam”(L’ Écho Annamite). Đứng trên lập trường quốc gia cải lương, các tờ báo này tuyên truyền rùm beng cho chủ nghĩa Pháp-Việt đuề huề và tư tưởng trực trị. Tờ Tiếng vang An Nam 8/1920 đã đăng bài viết “Má ơi đến cứu chúng con”, chủ trương dựa vào Pháp để chống lại tư sản Hoa kiều; hay trong bài báo khác năm 1921, tờ Tiếng vang An Nam đặt thẳng vấn đề “quyền làm chính trị” cho các nhà tư sản bản xứ.

Tuy nhiên, tổ chức đại diện đầy đủ nhất cho các quan điểm quốc gia cải lương của giai cấp tư sản là Đảng Lập hiến, ở Nam Kì, được lập năm 1923. Tuy nhiên Đảng này không có hệ thống tổ chức, không Điều lệ và không cán bộ. Những người cầm đầu đảng chủ yếu là các trí thức tư sản, địa chủ và công chức cao cấp như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền… Với tư cách là lãnh tụ của đảng, Bùi Quang Chiêu nêu ra 3 yêu cầu về chính trị là tự do tư tưởng, tự do viết báo bằng tiếng mẹ đẻ, tự do đi lại và hội họp. Hoạt động của Đảng Lập hiến thường hướng vào việc đòi tham gia vào bộ máy chính quyền(Hội đồng thuộc địa, Hội đồng thành phố…), xin nhập quốc tịch Pháp… Năm 1925, Đảng Lập hiến đưa Dân Nguyện cho Toàn quyền Va-ren, nhằm đòi các quyền tự do dân chủ. Nhưng bọn thực dân xảo quyệt, một mặt bố thí một ít quyền lợi để mua chuộc họ, mặt khác vẫn cử người theo dõi để tìm cách đả phá chia rẽ họ với đông đảo nhân dân.

Ngoài Đảng Lập hiến trong Nam, còn có các nhóm Nam Phong của Phạm Quỳnh, nhóm Trung Bắc tân văn của Nguyễn Văn Vĩnh ở ngoài Bắc. Nhóm Phạm Quỳnh nêu lên thuyết “quân chủ lập hiến”, còn nhóm Nguyễn Văn Vĩnh lại đề cao tư tưởng “trực trị” kiểu Canada trong đế quốc Anh…

Nói chung, giai cấp tư sản VN sau Chiến tranh TG1 đã có những cố gắng nhất định trong cuộc đấu tranh chống sự cạnh tranh chèn ép của tư sản nước ngoài. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh này chỉ nhằm thoả mãn các yêu cầu tối thiểu về quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng trong kinh tế và hoạt động chính trị với tư bản Pháp.

V- Cao trào yêu nước và đòi tự do dân chủ ở trong nước.

Chịu tác động của trào lưu tư tưởng mới thông qua các hoạt động của NAQ và đông đảo Việt kiều yêu nước ở Pháp và Trung Quốc, phong trào dân tộc VN sau Chiến tranh TG1 bắt đầu sôi nổi và nhanh chóng chuyển mình sang một giai đoạn mới. Phong trào bắt đầu dấy lên từ năm 1923, rồi phát triển lên tới đỉnh cao vào những năm 1925-1926.

Mở đầu cho phong trào đòi tự do dân chủ là các hoạt động tuyên truyền cách mạng của một số tờ báo tiến bộ ở trong Nam như: Chuông Rạn(La Cloche Fêlée) của Nguyễn An Ninh, tờ An Nam(L’ Annam) của Phạm Văn Trường được in bằng tiếng Pháp. Hai tờ báo An Nam trẻ(Jeune Annam) và Người Nhà quê(Le Nhaque) đã trực tiếp đả kích chế độ thực dân phong kiến, đồng thời bóc trần chủ nghĩa cải lương phản bội lợi ích dân tộc của tầng lớp địa chủ và tư sản thượng lưu. Thêm vào đó, ngay cả các tờ báo của một số người Pháp tiến bộ như Đông Dương(L’ Indochine) của luật sư Monin, tờ Tiếng nói tự do(La Voix Libre) của giáo sư Ganobsky cũng đã lên tiếng tố cáo những hành vi tàn bạo của bọn thực dân đương thời.

Phong trào yêu nước bắt đầu từ trong Nam rồi lan nhanh ra ngoài Bắc và phát triển thành phong trào có tính chất toàn quốc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ trong phong trào yêu nước sôi nổi này đã xuất hiện các tổ chức chính trị của thanh niên trí thức, tiêu biểu là Hội Phục Việt, Đảng Thanh Niên. Được sự tuyên truyền, tổ chức của các đảng này, phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân càng bùng lên mạnh mẽ, trong đó nổi bật nhất là phong trào đòi thả Phan Bội Châu và lễ tang Phan Châu Trinh.

1- Phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu(1925)

Sau khi bắt được Phan Bội Châu 6/1925, thực dân Pháp đưa ông từ Trung Quốc về Hải Phòng, rồi bí mật đưa về giam ở nhà tù Hoả Lò(Hà Nội) dưới một cái tên khác. Trên đường bị giải về nước, Phan Bội Châu đã tìm cách gửi thư cho một người quen là Lâm Lượng Sinh, chủ bút tờ Binh sự tạp chí tại Hàng Châu(Trung Quốc). Ít lâu sau, nhiều tờ báo tiến bộ ở Trung Quốc đã đăng tin Phan Bội Châu bị bắt và kịch liệt công kích hành động bắt người trắng trợn của thực dân Pháp, vi phạm quy chế ngoại giao giữa hai nước. Ở VN, một tờ báo của Pháp(Tin tức Hải Phòng- Le Courrier de Haiphong)cũng đăng tải tin này. Chính vì vậy, mặc dù thực dân Pháp cố tình bưng bít, tin Phan Bội Châu bị bắt đã dần dần lan truyền rộng rãi trong nhân dân.

Việc Phan Bội Châu, một nhà yêu nước lớn của VN bị bắt đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Tại Bắc Kì, chi hội Phục Việt do Tôn Quang Phiệt đứng đầu đã rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Khi Phan Bội Châu được đưa ra xét xử công khai ở Toà Đại hình Hà Nội và bị kết án khổ sai chung than thì làn sóng phản đối lại bùng lên trong cả nước. Nhiều điện văn được gửi tới Toàn quyền Va-ren đòi trả lại tự do cho Phan Bội Châu. Khi Va-ren ra tới Hà Nội, hang ngàn người, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh, đã xuống đường biểu tình, giương cao biểu ngữ, phân phát truyền đơn yêu cầu nhà đương cục phải thả Phan Bội Châu. Các tờ báo ở cả VN và Pháp đều đưa tin khá đầy đủ về vụ án Phan Bội Châu. Có những tờ đơn kháng cáo còn được gửi đến tận Hội Quốc Liên, Toà án Quốc tế La-Hay(La Haye), Nghị viện Pháp đòi huỷ bỏ bản án cho Phan Bội Châu.

Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, cuối cùng thực dân Pháp buộc phải ân xá cho cụ Phan và đưa cụ về “an trí” tại Huế dưới sự kiểm soát ngày đêm của bọn mật thám. Từ đó, Phan Bội Châu phải sống những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời của một người tù bị giam lỏng, cách biệt với thực tiễn cách mạng bên ngoài. Cụ đã trút hơi thở cuối cùng tại đó vào ngày 29/10/1940 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước.

2- Đám tang Phan Châu Trinh(1926)

Từ sau hai cuộc nói chuyện với nhân dân thành phố Sài Gòn vào cuối tháng 11/1925, Phan Châu Trinh lâm bệnh nặng. Bốn tháng sau, 24/3/1926, ông mất tại Sài Gòn. Cũng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng là một nhà yêu nước nhiệt thành. Ông là nhà dân chủ lớn và tiêu biểu nhất ở nước ta đầu thế kỷ XX. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với một giai đoạn sôi động của phong trào GPDT. Đồng bào, đồng chí vẫn luôn kính trọng, khâm phụ ý chí và tình cảm yêu nước của ông, Vì vậy, khi được tin ông mất, nhân dân trong cả nước đã ngậm ngùi thương tiếc, tổ chức lễ truy điệu ở khắp nơi.

Tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh được tổ chức trọng thể với các nghi lễ của một quốc tang. Một Hội đồng tang lễ gồm 16 người được thành lập bao gồm đại diện của Đảng Lập hiến và Đảng Thanh niên. Đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức và lao động đã đến đưa tang vĩnh biệt nhà ái quốc. Đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn đã thu hút gần 14 vạn người tham gia.

Tại Huế, trong buổi lễ truy điệu cụ Phan, cũng có tới hang trăm người tham dự, chủ tế là Phan Bội Châu. Trong bài văn tế, Phan Bội Châu đã viết với một tình cảm chân thành, thắm thiết nghĩa tình anh em đồng chí.

Không chỉ ở Huế, mà trên khắp mọi miền đất nước, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ trường học đến xưởng thợ, đâu đâu cũng tổ chức truy điệu và để tang Phan Châu Trinh. Hoảng sợ trước sự phát triển rầm rộ của phong trào, thực dân Pháp đã tìm cách phản công lại. Chúng ra lệnh cấm tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh trong các nhà trường. Học sinh liền bãi khoá, bỏ học để phản đối. Nhiều cuộc bãi công, bãi thị cũng nổ ra. Rõ rang, đám tang Phan Châu Trinh đã trở thành một dịp để quần chúng nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước và biểu dương lực lượng, đòi các quyền tự do dân chủ.

3- Đón tiếp Bùi Quang Chiêu và đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh.

Bùi Quang Chiêu là một kỹ sư canh nông, lãnh tụ Đảng Lập hiến, một đảng đại diện cho quyền lợi và quan điểm chính trị của các tập đoàn đại địa chủ và tư sản mại bản ở Nam Kì. Năm 1925, ông sang Pháp để vận động chính giới Pháp ban hành các quyền tự do dân chủ cho Đông Dương.

Cuộc vận động đã không đạt kết quả. Bùi Quang Chiêu về nước, cập cảng Sài Gòn chiều 24/3/1926. Nhân dịp này, Đảng Thanh Niên chủ trương tổ chức cuộc đón tiếp Bùi Quang Chiêu, rồi phát động thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng nhân dân đòi các quyền tự do dân chủ, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân phản động nhất lúc bấy giờ, đứng đầu là tên thực dân Utơrây(Outrey). Cuộc biểu tình đã thu hút hang vạn người tham gia. Trước sức mạnh xuống đường của quần chúng, Đảng Lập hiến và Bùi Quang Chiêu rất hoảng sợ, đã thoả hiệp với Pháp. Trong bữa tiệc chiêu đãi tối hôm đó, Bùi Quang Chiêu tuyên bố trung thành với chủ nghĩa Pháp-Việt đuề huề và phản đối bạo động. Biết rõ ý đồ phản bội của Bùi Quang Chiêu, quần chúng, nhất là thanh niên học sinh, đã chuyển sang đả đảo Bùi Quang Chiêu, đả đảo chủ nghĩa Pháp-Việt đuề huề của Đảng Lập hiến.

Cùng ngày Bùi Quang Chiêu về nước, lại xảy ra sự kiện bắt giam Nguyễn An Ninh, một nhà báo có uy tín lớn trong giới thanh niên và trí thức lúc bấy giờ. Nguyễn An Ninh tốt nghiệp đại học ngành luật ở Pháp, về nước 1925, nhưng không chịu hợp tác với chính quyền Pháp. Không những thế, ông còn dùng báo chí để đả kích chế độ thực dân ở Đông Dương. Vì vậy, Nguyễn An Ninh đã bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù. Trước tình hình đó, Đảng Thanh Niên đã phát truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh. Một cuộc Tổng đình công đã được dự định tổ chức ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Tại một vài nơi như Ngân hàng Đông Dương, hãng cao su Lápbê(Labbé), công nhân và viên chức đã nghỉ việc để phản đối chính sách của Pháp. Để đối phó lại, Pháp ra tay đàn áp những người đấu tranh, ngăn ngừa cuộc tổng đình công và tiến hành bắt bớ nhiều đảng viên Thanh Niên là lực lượng lãnh đạo và tổ chức các cuộc đấu tranh của quần chúng. Do bị đàn áp dữ dội, khí thế đấu tranh của quần chúng bị xẹp xuống, rồi lắng dần.

4- Phong trào văn hoá tiến bộ

Trong những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, cùng với sự mở mang, phát triển của các đô thị, thì các phương tiện, cơ sở in ấn, xuất bản cũng xuất hiện khá nhanh; các tầng lớp nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ngày càng đông đảo hơn so với trước.

Trong cao trào đòi tự do dân chủ, nhiều trí thức tiến bộ đã trở thành người khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân. Họ dùng báo chí làm công cụ đấu tranh, đồng thời để bộc lộ các quan điểm chính trị của mình. Vì vậy, sau những năm 20, hoạt động báo chí, văn hoá đã diễn ra khá sôi nổi trên cả nước.

Ở Nam Kì, một số trí thức chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản đã lên tiếng phản đối những tên quan cai trị tàn ác và đòi nhà cầm quyền phải thi hành các cải cách dân chủ cho nhân dân. Họ đứng ra xuất bản một số tờ báo tiếng Pháp, tiêu biểu như tờ “La Tribune Indigène” (Diễn đàn bản xứ) của Nguyễn Phú Khai-Bùi Quang Chiêu; “La Tribune Indochinoise” (Diễn đàn Đông Dương) và “L’ Écho Annamite” (Tiếng vang Annam) của Đảng Lập hiến.

Khác với tư tưởng quốc gia cải lương của các tờ báo trên, hai tờ báo “Chuông rạn”(La Cloche Fêlée) của Nguyễn An Ninh và “An Nam”(L’ Annam) của Phan Văn Trường đã kịch liệt đả phá chế độ thực dân, công khai chống lại chủ nghĩa Pháp-Việt đuề huề. Ngoài ra, báo còn trích đăng một số bài trên báo “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp, giới thiệu những tài liệu có lien quan đến Cách mạng tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội. Cùng với khuynh hướng này, còn có các tờ “Jeune Annam”(An Nam trẻ) và “Le Nhaque”(Người nhà quê) của Nguyễn Khánh Toàn.

Bên cạnh các tờ báo in bằng tiếng Pháp, còn xuất hiện nhiều tờ báo tiếng Việt, như: Thực nghiệp dân báo, Hữu Thanh của Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu ở Hà Nội; Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế; Pháp-Việt nhất gia của Trần Huy Liệu-Lê Thanh Lực ở Sài Gòn.

Các tờ báo trên đều phản ánh nguyện vọng về tự do dân chủ của quần chúng, tuyên truyền tư tưởng, văn hoá tiến bộ, kịch liệt chống lại chủ nghĩa Pháp-Việt đuề huề.

Cùng với các hoạt động báo chí, một số trí thức trẻ còn thành lập các đại lí hoặc cơ sở xuất bản, mua bán các tài liệu, sách báo có tư tưởng yêu nước. Tiêu biểu như Nam Đồng thư xã của Phạm Tuấn Tài-Phạm Tuấn Lâm ở Hà Nội; Quan Hải tùng thư của Đào Duy Anh ở Huế; Cường học thư xã của Trần Huy Liệu ở Sài Gòn.

Các tác phẩm nổi tiếng như Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc, Tiếng quốc kêu của Việt Quyên, Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu… đã phần nào phản ánh được nguyện vọng tự do, dân chủ, nhân đạo, yêu nước của nhân dân ta, và được đông đảo thanh niên hâm mộ tìm đọc.

Với những hoạt động nói trên, phong trào văn hoá tiến bộ đã trở thành một chất men, một động lực quan trọng của cao trào đấu tranh yêu nước, đòi tự do dân chủ những năm 1925-1926 ở nước ta.

VI- Phong trào công nhân

Sau Chiến tranh TG1, điều kiện sinh hoạt vật chất của công nhân VN vẫn hết sức thấp kém. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai chỉ chú ý mở rộng vốn và quy mô sản xuất, không tăng cường các phương tiện máy móc và không cải thiện các điều kiện làm việc cho công nhân. Tình trạng ăn, ở của công nhân, nhất là ở các đồn điền, hầm mỏ rất thấp kém. Thêm vào đó, thời gian làm việc thường kéo dài từ 9 – 10 giờ/ngày. Có nơi như khu dệt Nam Định, ngày công của công nhân được quy định bình quân là 12h/ngày. Công nhân không được hưởng bất kì một chế độ bảo hiểm thân thể nào. Tiền lương của công nhân rất thấp. Chẳng hạn, lương công nhật của công nhân dệt ở Nam Định từ 0,25-0,35 đồng; ở mỏ than Hồng Gai từ 0,3-0,4 đồng. Bình quân thu nhập hang tháng của một công nhân được khoảng 10 đồng. Trong khi đó, lương tháng của một công chức(thư kí, kế toán) từ 30-40 đồng. Ngoài đồng lương rẻ mạt, điều kiện lao động cực khổ, công nhân còn bị đánh đập, ngược đãi như nô lệ. Tình hình đó dẫn tới cuộc sống cùng quẫn, thậm chí dẫn đến cái chết của nhiều công nhân. Chính cảnh sống cùng cực ấy đã thúc đẩy công nhân hăng hái đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột và cường quyền.

Sau Chiến tranh TG1, thông qua hoạt động của lãnh tụ NAQ và nhiều người VN yêu nước khác, các sách báo cách mạng bắt đầu được truyền bá vào trong nước. Các tờ báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn… cũng như các tác phẩm của chủ nghĩa Mác-Lênin đã lọt qua lưới sắt của thực dân Pháp, đến với giai cấp công nhân và nhân dân VN. Cũng vào thời kì sau Chiến tranh TG1, nhiều thuỷ thủ, lính thợ VN được hồi hương, mang theo các hiểu biết mới, tư tưởng mới và cả các kinh nghiệm đấu tranh của những người anh em đồng chí ở châu Âu về nước. Nhờ vậy giai cấp công nhân VN mới bắt đầu biết tới Cách mạng tháng Mười, biết đến Lênin-lãnh tụ của cách mạng thế giới, trên cơ sở đó dần dần tiếp thu ánh sang của chủ nghĩa cộng sản. Ánh sang cách mạng ấy đã thôi thúc, lôi cuốn công nhân VN vùng dậy đấu tranh, trước hết là chĩa mũi nhọn vào bọn tư bản thực dân Pháp.

Từ Chiến tranh TG1, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân VN phát triển ngày càng rầm rộ, sôi nổi. Hình thức đấu tranh thấp nhất của công nhân là bỏ việc và phá giao kèo. Trong khoảng từ 1919-1925, số công nhân bỏ trốn hoặc phá giao kèo với chủ đã lên tới 4.877 người. Càng ngày, công nhân càng sử dụng các hình thức đấu tranh đặc thù của mình là Bãi Công, mặc dù hình thức đấu tranh này bị ghép vào tội “phá rối trị an” và bị kết án tù. Theo thống kê của chính quyền Pháp, từ 1920-1925 đã nổ ra 25 cuộc bãi công, đó là chưa kể những cuộc lãn công, đưa yêu sách cho chủ, hò reo chống đánh đập…

Năm 1919 nổ ra cuộc bãi công của công nhân thuỷ thủ tàu Sác-nô (Sharnhort) đậu ở cảng Hải Phòng đòi tăng lương và chống việc thực dân Pháp đưa binh lính VN sang đàn áp cách mạng Xi-ri. Năm 1920, trên 200 thuỷ thủ của 5 chiếc tàu Pháp ở cảng Hải Phòng đã bãi công đòi phụ cấp đắt đỏ.

Một sự kiện lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào công nhân VN, đó là vào năm 1921, Liên đoàn công nhân tàu biển ở Viễn Đông đã được thành lập và phát triển các cơ sở ở Ma-cao, Thượng Hải(Trung Quốc). Một số công nhân, thuỷ thủ VN làm việc trên các hãng tàu của Pháp đã gia nhập Liên đoàn này. Họ đã có nhiều đóng góp trong việc đưa đón cán bộ, vạn chuyển các sách báo cách mạng từ Pháp về trong nước.

Từ năm 1922, phong trào công nhân bắt đầu có nét khởi sắc mới. Đáng chú ý nhất là cuộc bãi công của 600 công nhân thợ nhuộm ở Sài Gòn-Chợ Lớn. NAQ đánh giá cuộc bãi công đó như là “dấu hiệu của thời đại” mới, “lần đầu tiên một phong trào như thế đã nhóm lên ở thuộc địa”. Nét mới đó còn được lộ rõ hơn trong cuộc bãi công của 250 công nhân nhà máy sợi Nam Định tháng 9/1924. Trong bản báo cáo của Đờ Mayna(De Maynard) gửi cấp trên, y viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, bọn cai và thợ chuyên môn… biết rằng bãi công là một vũ khí dũng mãnh trong tay những người làm công”.

Năm 1925, phong trào công nhân đã có sự phát triển nhảy vọt, với việc xuất hiện nhiều cuộc bãi công có quy mô lớn, có tổ chức và lãnh đạo ở một mức độ nhất định. Trong đó điển hình nhất là cuộc bãi công của 1000 công nhân Ba Son(Sài Gòn) vào tháng 8/1025.

Gắn liền với cuộc bãi công này là vai trò tổ chức của Tôn Đức Thắng. Sauk hi tham gia cuộc binh biến ở Hắc Hải, năm 1920, Tôn Đức Thắng về nước và xin làm công nhân ở Sài Gòn. Chính trong năm này, ông đã bí mật thành lập tổ chức Công hội đầu tiên ở thành phố Sài Gòn. Năm 1925, Tôn Đức Thắng đã cùng một số công nhân khác đứng ra tổ chức cuộc bãi công ở Ba Son.

Xưởng Ba Son được thành lập từ năm 1864, là cơ sở chuyên đóng và sửa chữa tàu thuỷ vào loại lớn nhất của thực dân Pháp ở VN. Tại đây, công nhân được hưởng một số chế độ ưu đãi hơn các nơi khác, như được hưởng ngày làm 8h, lương cao, công việc cũng ít vất vả hơn; vào kì lĩnh lương hàng tháng, công nhân được nghỉ việc trước 30 phút. Nhưng từ khi viên đốc công mới tên là Cuôcxian(Courtial) sang làm việc, lệ nghỉ trước giờ vào ngày lĩnh lương bị bãi bỏ. Đây là cái cớ để những người lãnh đạo vận động công nhân đứng dậy đấu tranh.

Mục đích của cuộc bãi công Ba Son là nhằm giữ lại chiếc tàu Misơlê (Michelet) được đưa đến sửa chữa ở xưởng Ba Son, không cho Pháp chuyên chở binh lính sáng đàn áp cách mạng Trung Quốc. Ngày 4/8/1925, cuộc bãi công bùng nổ với yêu sách “đòi tăng lương 20%, đòi thợ bị đuổi việc trở lại làm việc, đòi giữ lệ nghỉ trước nửa giờ vào ngày lĩnh lương”. Để đảm bảo thắng lợi, Ban lãnh đạo Công hội đã vận động công nhân viên chức các nhà máy, công sở trong thành phố ủng hộ công nhân Ba Son. Sau 8 ngày đấu tranh và nghỉ việc, cuộc bãi công Ba Son đã giành được thắng lợi. Kết quả là các nhà chức trách Pháp đã phải chấp nhận tăng lương 10% cho công nhân, thoả mãn các yêu sách khác, đồng thời trả lương cả những ngày bãi công. Ngày 12/8/1925, công nhân trở lại làm việc, nhưng vẫn tiếp tục lãn công, khiến cho việc sửa chữa chiếc tàu Misơlê đến mãi 28/11/1925 mới hoàn thành, và khi nó lên đường sang Trung Quốc thì cuộc đấu tranh của công nhân và thuỷ thủ bên đó đã kết thúc thắng lợi.

Rõ ràng, cuộc bãi công Ba Son năm 1925 là cuộc bãi công đầu tiên có tổ chức và có lãnh đạo. Cuộc bãi công này không chỉ nhằm vào mục tiêu kinh tế, mà cao hơn nữa còn nhằm vào mục đích chính trị, thể hiện tình đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế của công nhân VN với những người anh Trung Quốc. Bằng các việc làm của mình, cuộc bãi công Ba Son đã cắm một mốc rất quan trọng trong phong trào công nhân – giai đoạn công nhân VN bắt đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và có mục đích chính trị rõ ràng.

(Xem tiếp Chương IX)

Bình luận về bài viết này