Posts Tagged ‘Lịch sử chống Pháp’

Chương IX: Phong trào dân tộc ở Việt Nam từ 1925 đến 1930

Tháng Bảy 11, 2009

I- Sự xuất hiện và hoạt động của ba tổ chức cách mạng

Như đã trình bày ở chương trước, do chịu tác động của các trào lưu tư tưởng mới, nhất là tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào dân tộc ở VN sau chiến tranh đã dâng lên sôi nổi và phát triển đến đỉnh cao vào những năm 1925-1926. Từ trong cao trào đấu tranh yêu nước ấy đã dần dần xuất hiện các tổ chức tiến bộ và cách mạng, tiêu biểu nhất là Hội VN cách mạng thanh niên(VN thanh niên cách mạng đồng chí hội), Tân Việt cách mạng đảng và VN quốc dân đảng. Sự ra đời của các tổ chức cách mạng này đã đánh dấu bước tiến mới của phong trào dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy công cuộc giải phóng đất nước tiếp tục tiến lên.

1- Hội Việt Nam cách mạng thanh niên

Sự xuất hiện của HVNCMTN gắn liền với các hoạt động và công lao của lãnh tụ NAQ. Ngay từ 1923, trước khi rời Pháp đi Liên Xô, trong một bức thư gửi các bạn cùng hoạt động, NAQ đã nói rõ ý định của mình là: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ rang: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Chính vì vậy, sau một năm rưỡi học tập và hoạt động ở Liên Xô, tháng 11/1924, NAQ quyết định trở về Quảng Châu-Trung Quốc-nơi đang có rất đông người VN yêu nước hoạt động, để xúc tiến các công việc chuẩn bị cho sự ra đời của chính đảng Mác-xít ở VN.

Sau khi đến Quảng Châu, với tư cách là đặc phái viên của Quốc tế cộng sản, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, NAQ đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu tình hình hoạt động của những người VN yêu nước đang sinh sống tại đây, đặc biệt là đã gặp nhóm thanh niên yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm Xã. Trong thư thư gửi Đoàn Chủ tịch QTCS đề ngày 18/12/1924, NAQ báo cáo: “Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia VN, trong số đó có một người đã xa rời xứ sở từ 20 năm nay…

Mục đích của ông này là trả thù cho nước nhà đã bị Pháp tàn sát. Ông ta không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng. Trong cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông ta hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không có cơ sở. Ông ta đã đưa cho tôi một bản danh sách của 14 người VN đã cùng ông ta hoạt động bấy lâu”. Trong số 14 người mà Phan Bội Châu giới thiệu, có một số người đã trở thành hội viên của Tâm Tâm Xã-một tổ chức yêu nước cấp tiến vừa được thành lập năm 1923 tại Quảng Châu.

Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế, NAQ đã lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm Tâm Xã, tổ chức tuyên truyền giác ngộ họ, để trên cơ sở đó lập ra nhóm Cộng Sản Đoàn vào tháng 2/1925. Trong Báo cáo gửi Đoàn Chủ tích QTCS, đề ngày 19/2/1925, NAQ đã trình bày khá cụ thể các công việc đã làm được: “Chúng tôi đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên, trong đó có 2 người đã được phái về nước. Ba người ở tiền tuyến(trong quân đội Tôn Dật Tiên), một người đang đi công cán quân sự(cho Quốc Dân Đảng). Trong số hội viên đó, có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản”.

Nhóm bí mật đó chính là Cộng Sản đoàn gồm có Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lưu Quốc Long, Trương Văn Lĩnh, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ.

Dựa trên nhóm cộng sản này, tháng 6/1925, NAQ thành lập một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng rộng hơn là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 7 năm đó, cùng với một số nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Inđônêxia…, NAQ còn sáng lập ra tổ chức Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông có quan hệ chặt chẽ với Hội VNCMTN. Sau khi ra đời, Hội đã công bố Chương trình và Điều lệ, thể hiện rõ lập trường chính trị cùng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội. Bản Chương trình ghi rõ:

I-                  Tên Hội:

Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

II-               Mục đích

Hi sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành độc lập cho xứ sở) rồi sau đó làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản).

III-            Chương trình

a)     Lựa chọn người giác ngộ, huấn luyện họ, tổ chức họ vào Hội.

b)    Cử những hội viên đã được đào tạo vào trong nhân dân để tuyên truyền điều phải và tổ chức các đoàn thể như công hội, nông hội, hội học sinh, hội phụ nữ.v.v..

c)     Gặp dịp tốt nào thì hãy huy động lực lượng của những đoàn thể quốc gia để đập tan bọn Pháp và lấy lại chính quyền.

d)    Thành lập Chính phủ nhân dân gồm đại biểu của các đoàn thể công nhân, nông dân và binh lính.

e)     Áp dụng những nguyên tắc tân kinh tế chính sách để thúc đẩy sự phát triển các cơ quan sản xuất trong nước, bãi bỏ tư bản tư nhân và sự giao lưu những tài nguyên quốc gia.

f)      Đoàn kết với những giai cấp vô sản của tất cả các nước và thành lập xã hội cộng sản.

Điều kiện gia nhập Hội đã được ghi rõ trong bản Điều lệ là: “Người Việt Nam nào từ 17 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, tán thành mục đích, chương trình và kỷ luật của Hội và được hai hội viên giới thiệu, thì được gia nhập Hội sau khi được chi bộ đồng ý”.

Về tổ chức gồm có 5 cấp: Tổng bộ, Xứ (Kì) bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và Chi bộ. Mỗi chi bộ gồm khoảng 10 hội viên; nếu quá số lượng đó thì lập ra chi bộ khác.

Tóm lại, đường lối chính trị của Hội VNCMTN thể hiện những nội dung chính sau đây:

1)     Thực hiện cách mạng GPDT rồi sau đó tiến hành cách mạng XHCN.

2)     Thành lập chính phủ công nông binh, thực hiện chính sách phát triển sản xuất, xoá bỏ tư bản, xây dựng xã hội cộng sản ở VN và trên thế giới. Trước mắt, sau khi thành lập, chính phủ công nông binh sẽ thực hiện nhiệm vụ chia ruộng cho dân cày, huỷ bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lí khác; thực hiện ngày làm 8 giờ cho công nhân; thực hiện quyền tự do dân chủ, quyền nam nữ bình đẳng…

3)     Đoàn kết với giai cấp vô sản và phong trào cách mạng thế giới.

Như vậy, mặc dù Hội VNCMTN chưa phải là một đảng cộng sản, nhưng đường lối chính trị, chương trình hành động và điều lệ của Hội đã in đậm và thể hiện rõ quan điểm, lập trường cách mạng của giai cấp công nhân.

Về thành phần xã hội, lúc đầu các hội viên Thanh niên bao gồm “90% là trí thức tiểu tư sản, chỉ có 10% là công nông”, sau này tuy các thành phần công nông có tăng lên, nhưng lực lượng trí thức vẫn chiếm tới 40%.

Sau khi thành lập, Hội VNCMTN phái người về nước vận động, lựa chọn và đưa một số thanh niên tích cực sang Quảng Châu(TQ) để đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng về chính trị, tổ chức. Trong khoảng 1924-1927, Hội đã tổ chức được trên 10 lớp huấn luyện, đào tạo được 75 hội viên. Mỗi lớp đào tạo huấn luyện được tiến hành trong thời gian từ 2-3 tháng. Giảng viên chính là NAQ, ngoài ra còn có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là giáo viên phụ giảng.

Nội dung chương trình học tập ở các lớp huấn luyện khá rộng, bao gồm cả kiến thức lí luận và thực tiễn cách mạng. Học viên được nghiên cứu về tình hình quốc tế, lịch sử tiến hoá nhân loại, các giai đoạn phát triển của CNTB, phong trào GPDT ở các nước, các phương pháp cách mạng của Tôn Dật Tiên, về Cách mạng tháng Mười Nga. Tại các khoá học, học viên còn được nghe giới thiệu về lịch sử các tổ chức Quốc tế I, II và III, cũng như về các tổ chức quần chúng của Quốc tế như Thanh niên quốc tế, Nông dân quốc tế, Công hội đỏ quốc tế. Phần cuối cùng của chương trình huấn luyện là các phương pháp và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong việc vận động và tổ chức xây dựng nông hội, công hội, hợp tác xã…

Ngoài việc mở các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, dưới sự chỉ đạo của NAQ, Ban lãnh đạo Hội còn cử người đi học trường Đại học Cộng sản Phương Đông(Liên Xô) và trường Quân chính Hoàng Phố(của Quốc dân đảng Trung Quốc). Trong số người được giới thiệu đi học các trường đào tạo nước ngoài có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn…

Kết thúc các lớp đào tạo, phần lớn cán bộ đều được đưa về nước hoạt động trong công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị… để tuyên truyền vận động và xây dựng các cơ sở của Hội VNCMTN.

Cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ Mác-xít đầu tiên cho cách mạng VN, Hội VNCMTN còn cho xuất bản tờ báo Thanh Niên làm công cụ truyền bá tư tưởng Mác-Lênin và là cơ quan phát ngôn của Hội. Báo Thanh niên in bằng chữ Quốc ngữ, trên giấy sáp, riêng tên tờ báo được in bằng cả chữ Hán và chữ Việt. Ban biên tập ngoài NAQ là chủ bút, còn có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu… Số báo đầu tiên xuất bản vào ngày 21/6/1925. Từ đó cho đến tháng 2/1930, báo Thanh niên ra được 208 số. Trong 88 số đầu, tờ báo tập trung giáo dục lòng yêu nước, khơi sâu ý chí căm thù của nhân dân ta đối với bọn đế quốc và phong kiến tay sai, đồng thời giới thiệu Cách mạng tháng Mười Nga và nước Nga Xô viết. Từ số 89 trở đi, báo Thanh niên bắt đầu nêu lên những nguyên lí cơ bản về xây dựng đảng kiểu mới, về nhu cầu phải thành lập chính đảng cộng sản ở nước ta, về phương hướng phát triển của cuộc vận động GPDT Việt Nam.

Bằng nhiều con đường, báo Thanh niên đã được bí mật chuyển về trong nước và được các tầng lớp nhân dân yêu nước hăng hái tìm đọc, có bài báo còn được chuyền nhau chép đi chép lại nhiều lần.

Nhờ đó, các tư tưởng cách mạng được truyền bá mạnh mẽ vào trong nhân dân, góp phần quan trọng chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của chính đảng cộng sản ở nước ta.

Để đẩy mạnh công cuộc truyền bá tư tưởng Mác-Lênin tiến tới thành lập Đảng, đầu năm 1927 Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc vị áp bức ở Á Đông đã cho xuất bản cuốn sách Đường Kách Mệnh, rồi chuyển về trong nước. Cuốn sách chủ yếu tập hợp các bài giảng của lãnh tụ NAQ trong các lớp huấn luyện chính trị của Hội VNCMTN ở Quảng Châu. Nếu trong tác phẩm Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp, NAQ đã bóc trần và tố cáo những hành động xấu xa, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp ở thuộc địa, trong cuốn sách này NAQ lại tập trung phác hoạ và chỉ ra phương hướng đấu tranh để GPDT và nhân dân thoát khỏi ách nô lệ. Trên cơ sở phân tích tình hình và mâu thuẫn của xã hội VN, Đường Kách Mệnh chỉ rõ cách mạng VN trước hết phải làm “dân tộc kách mệnh” nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do, đồng thời tiến lên làm “giai cấp kách mệnh” đánh đuổi tư bản nhằm giải phóng quần chúng lao động.

Cách mạng muốn giành được thắng lợi phải coi “công nông là gốc” của cách mạng, học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ đều là bầu bạn của cách mạng. Đường Kách Mệnh còn chỉ rõ nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng là sự lãnh đạo của đảng Mác-xít. Đảng đó phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin vì: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Đồng thời, tác phẩm Đường Kách Mệnh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ đoàn kết quốc tế giữa cách mạng VN với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Có thể nói “tác phẩm Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc đã đóng vai trò như cuốn Làm Gì? của Lênin trong phong trào cách mạng Nga” hồi đầu thế kỷ XX.

Từ đầu năm 1926, Hội VNCMTN bắt đầu phát triển cơ sở ở trong nước. Nhờ có sự hoạt động tích cực của các hội viên nên đầu năm 1927 ở nhiều địa phương đã xây dựng được các cơ sở của Hội. Trên cơ sở đó, các Kì bộ, rồi Tỉnh bộ lần lượt được thành lập.

Kì bộ Trung kì được thành lập tại Vinh(2/1927) gồm Vương Thúc Oánh, Lê Hữu Lập, Nguyễn Sĩ Sách(làm Bí thư).

Tháng 3/1927, tại Hà Nội, Kì bộ Bắc kì được thành lập gồm Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Thu, Mai Lập Đôn, do Trần Văn Cung làm Bí thư.

Tại Sài Gòn, Kì bộ Nam kì được thành lập với sự tham gia của Ngô Thiêm, Nguyễn Văn Lợi, do Phan Trọng Bình làm Bí thư.

Cùng với việc phát triển hệ thống tổ chức ở trong nước, Hội VNCMTN còn chú trọng xây dựng cơ sở trong Việt kiều ở Xiêm(Thái Lan) để hình thành đường dây liên lạc với trong nước. Năm 1926, chi bộ Thanh niên đầu tiên đã được thành lập tại Bạn Thầm(tỉnh Phì Chịt, miền Trung Thái Lan). Tiếp đó, Hội còn thành lập thêm các chi bộ khác ở tỉnh U Đon, Na Khon… Để mở rộng các hoạt động tuyên truyền vận động trong Việt kiều ở Thái Lan, Hội VNCMTN đã cho xuất bản tờ báo Đồng Thanh(sau đổi thành báo Thân Ái).

Do đại bộ phận hội viên Thanh niên đều xuất thân từ thành phần trí thức tiểu tư sản, nên từ cuối năm 1928 Hội VNCMTN chủ trương tổ chức phong trào “vô sản hoá”, tích cực đưa các hội viên vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, nông thôn để rèn luyện học tập nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời trực tiếp tuyên truyền giác ngộ và tổ chức quần chúng đấu tranh. Nhờ vậy, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển rầm rộ, sôi nổi.

Đến năm 1929, Hội VNCMTN đã xây dựng cơ sở ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Số hội viên đã lên tới khoảng 1.500 người. Thông qua việc tăng cường phát triển tổ chức, mở rộng địa bàn hoạt động của các hội viên, Hội VNCMTN đã góp phần truyền bá tư tưởng Mác-Lênin, phổ biến chủ trương, đường lối của Hội trong nhân dân, tích cực thúc đẩy phong trào cách mạng VN chuyển nhanh theo xu hướng cách mạng vô sản. Hội VNCMTN đã đóng vai trò tích cực chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một Đảng Cộng sản chân chính ở VN.

2- Tân Việt cách mạng đảng

Khác với Hội VNCMTN, Tân Việt cách mạng đảng(TVCMĐ)là một tổ chức yêu nước đã trải qua nhiều thay đổi, cải tổ.

Tiền thân của TVCMĐ là Hội Phục Việt thành lập 14/7/1925 tại Vinh(Nghệ An) do hai nhóm chính trị phạm ở Trung kì tiêu biểu như: Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên…, và các sinh viên sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai… Chương trình hành động của Hội Phục Việt có 3 điểm: (1)- Nghiên cứu tình hình chính trị trong nước để quyết định nên bạo động hay hoà bình; (2)- Tìm cách lien lạc với các nhà cách mạng ở Tàu và Xiêm xem chủ trương của họ thế nào; (3)- Mộ thêm đồng chí mới. Sau khi ra đời, Hội Phục Việt tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Chi hội Phục Việt ở Bắc kì do Tôn Quang Phiệt phụ trách đã in và rải truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân đấu tranh ủng hộ nhà chí sĩ họ Phan. Hoạt động yêu nước của Hội Phục Việt đã làm cho thực dân Pháp theo dõi và tìm cách phá hoại. Trước tình hình đó, Hội Phục Việt đã đổi tên thành Hưng Nam năm 1926. Đến năm 1927, Hội lại đổi tên thành Việt Nam cách mạng đảng, rồi Việt Nam cách mạng đồng chí hội. Cuối cùng, tại đại hội lần thứ nhất tại Huế(7/1928), Hội chính thức mang tên Tân Việt cách mạng đảng.

Thời kì đầu mới thành lập, TVCMĐ còn là một tổ chức yêu nước, chưa có lập trường giai cấp rõ rệt, cho rằng chủ nghĩa cộng sản quá cao và chủ nghĩa “Tam Dân” của Quốc dân đảng quá thấp. Trong quá trình tồn tại, Tân Việt đã nhiều lần cử người sang Quảng Châu lien lạc và bàn kế hoạch hợp nhất với tổ chức Hội VNCMTN, và ngược lại Tổng bộ Thanh niên cũng đã có lần phái người về nước thảo luận việc hợp nhất với Tân Việt, nhưng không đạt được kết quả. Nguyên nhân là do hai tổ chức có ý kiến khác nhau trong việc đánh giá vai trò của mỗi bên, cũng như xác định quyền lãnh đạo của tổ chức sẽ hợp nhất. Mặc dù vậy, qua những lần tiếp xúc, đặc biệt là nhờ các hoạt động của các hội viên Hội VNCMTN, lập trường chính trị của Tân Việt dần dần thay đổi và chuyển mạnh sang khuynh hướng cách mạng vô sản. Từ sau Đại hội I (1928), Tân Việt thực sự trở thành một tổ chức cách mạng mang tính chất XHCN.

Về tư tưởng chính trị, TVCMĐ xác định: “Liên hợp cả các đồng chí trong ngoài, trong thì dẫn đạo công nông binh, quần chúng, ngoài thì lien lạc với các dân tộc bị áp bức để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa đặng kiến thiết một xã hội bình đẳng bác ái mới”. Tân Việt còn đề ra Chương Trình Hành Động và các quy định chặt chẽ về tổ chức, đảng viên. Theo Chương Trình Hành Động được soạn thảo năm 1928 thì Tân Việt sẽ phải trải qua hai thời kì. Đó là Thời Kỳ Phá Hoại tức là dùng vũ lực đánh đổ ách thống trị thực dân phong kiến, giành lấy chính quyền; sau đó chuyển qua Thời Kỳ Quá Độ thực hiện chuyên chính vô sản, quốc hữu hoá các ngành kinh tế, thực thi quyền bình đẳng cho mọi giai tầng xã hội, mọi lớp tuổi khác nhau.

Về thành phần xã hội, Tân Việt chủ yếu gồm các phần tử thanh niên trí thức, học sinh, công chức, tiểu thương. Sau này, Đảng có chú ý phát triển đến các thành phần công nông, nhưng số hội viên phần lớn vẫn là trí thức tiểu tư sản. Ngay trong Điều Lệ năm 1928 cũng quy định rõ rang đảng viên phải là người có học, “phải biết đọc, biết viết hoặc Quốc ngữ, hoặc chữ Pháp, chữ Hán và quyết tâm phấn đấu trong hang ngũ của Đảng”.

Nắm quyền lãnh đạo các cơ quan Tổng bộ chủ yếu thuộc giới giáo viên, sinh viên, trí thức như Trần Mộng Bạch, Đào Duy Anh, Phan Kiêm Huy, Tôn Quang Phiệt, Ngô Đức Diễn.

Hệ thống tổ chức của Tân Việt bao gồm 6 cấp: Tổng bộ, Kì bộ, Liên tỉnh bộ, Tỉnh bộ, Đại bộ và Tiểu tổ ở cơ sở. Tổ chức cơ sở của Tân Việt xây dựng theo nguyên tắc “Tam tam chế”, tức là mỗi tiểu tổ chỉ có 3 người, và 3 Tiểu tổ hợp thành 1 Đại tổ. Tân Việt có 3 Kì bộ và 10 Liên tỉnh bộ, đều được gọi theo bí danh riêng: Bắc kì là “Nhân kì”, Trung kì là “Trí kì”, Nam kì là “Dũng kì”.

Trên tất cả các khu vực Bắc, Trung, Nam, TVCMĐ đều có cơ sở của mình, nhưng địa bàn hoạt động chính là ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu thuộc hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh.

Tại địa bàn trung tâm Nghệ-Tĩnh, từ cuối năm 1928, các Tiểu tổ, Đại tổ Tân Việt đã phát triển rộng khắp trong các nhà máy, xí nghiệp, đường phố, và cả các vùng nông thôn. Số lượng đảng viên lên tới 612 người. Bên cạnh việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, Tân Việt còn chú ý xây dựng các tổ chức quần chúng, các cơ sở cảm tình của Đảng. Ở khu vực Vinh-Bến Thuỷ, Tân Việt đã lập ra các Nhóm may quần áo của công nhân nhà máy Tràng Thi, Hưng Nghiệp hội xã, hiệu sách “Tam kì thư quán”. Các cơ sở này vừa làm nơi gặp gỡ, tuyên truyền giác ngộ đảng viên, đồng thời góp phần cung cấp nguồn tài chính cho Đảng. Ở Trường Quốc học Vinh, Phan Kiêm Huy đã vận động và cùng một số đảng viên khác thành lập Hội Sinh Đoàn để tập hợp các giáo viên và học sinh yêu nước. Tại các huyện Hưng Nguyên, Anh Sơn, Nghi Lộc, Yên Thành, Thanh Chương, Can Lộc…, đều xây dựng các Tiểu tổ, Đại tổ và các tổ chức quần chúng của Đảng.

Trong quá trình tồn tại, ngoài công tác giáo dục, huấn luyện đảng viên, TVCMĐ còn tiến hành nhiều hoạt động như lập các lớp học ban đêm, phổ biến các sách báo Mác-xít…, góp phần quan trọng vào việc khơi dậy long yêu nước, truyền bá tư tưởng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Một số cuộc đấu tranh của học sinh, tiểu thương và công nhân do Tân Việt tổ chức và lãnh đạo đã diễn ra trong thời gian này. Tiêu biểu là các cuộc đình công của công nhân nhà máy diêm Bến Thuỷ(Vinh) ngày 11/4/1928; cuộc bãi công của công nhân đường sắt ở Biên Hoà-Sài Gòn tháng 9/1929; đấu tranh của nông dân làng Yên Dũng(Vinh) chống bọn Pháp lấy 300 mẫu đất ở gần Bến Thuỷ để xây dựng sân bay. Trong nhiều trường học ở Vinh, tổ chức Tân Việt đã vận động học sinh đấu tranh với các yêu sách cụ thể như:

–         Bỏ phạt

–         Học sinh được ra ngoài kí túc xá vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật

–         Bỏ thói đánh đập và miệt thị học sinh, giáo viên người Việt

–         Cải thiện điều kiện sinh hoạt và ăn uống trong kí túc xá.

Từ cuối năm 1928 đầu năm 1929, học tập Hội VNCMTN, TVCMĐ cũng phát động phong trào “vô sản hoá”, đưa các đảng viên vào hoạt động trong nhà máy, xí nghiệp, trường học để nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, xây dựng cơ sở của Đảng…

Do tác động của tư tưởng Mác-Lênin, nhiều đảng viên Tân Việt đã chuyển sang Hội VNCMTN. Nội bộ đảng Tân Việt ngày càng phân hoá sâu sắc thành hai khuynh hướng rõ rệt. Một khuynh hướng nằm trong những người lãnh đạo Tổng bộ chủ trương đứng trên lập trường quốc gia tư sản. Còn số đông đảng viên Tân Việt, nhất là những thanh niên trẻ tuổi giàu nhiệt huyết, thì ngả hẳn sang khuynh hướng cộng sản.

Vào năm 1929, để chống lại khuynh hướng cộng sản trong số đông đảng viên, ban lãnh đạo Tổng bộ đã công bố đề án thành lập “Khối quốc gia” và gửi cho các cấp bộ Đảng Tân Việt. Theo bản đề án, ở VN, lúc này chưa có giai cấp công nhân, do đó không có cơ sở để chủ nghĩa cộng sản tồn tại và phát triển. Trước tình hình đó, những đảng viên tích cực nhất của Đảng đã họp lại và đi tới quyết định li khai khỏi Tổng bộ Tân Việt, chuẩn bị thành lập một đảng cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng Sản liên đoàn. Tiếp đó, tháng 9/1929, một cuộc hội nghị của những đảng viên tích cực của Đảng đã được tổ chức tại Nam kì, nhằm bàn bạc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới tổ chức đại hội thành lập Đông Dương Cộng Sản lien đoàn. Hội nghị đã thông qua tờ Tuyên Đạt nói rõ lí do thành lập Đông Dương Cộng sản lien đoàn là: “Hiện thời trào lưu cộng sản đang dâng cao khắp toàn cầu… Ở Đông Dương xu hướng cộng sản đang đâm chồi, nảy lộc, nhất là từ ba bốn năm nay, Hội VNCMTN và TVCMĐ ra đời thì ảnh hưởng trong đám lao khổ xứ Đông Dương càng hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng họ khỏi cảnh lầm than, nô lệ, mới đem lại độc lập hoàn toàn cho xứ Đông Dương, xoá bỏ chế độ người bóc lột người…

… Cho nên Hội VNCMTN… đã tách ra lập nên hai bộ phận cộng sản là Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản chi bộ, cùng tiến hành vận động cộng sản theo chương trình của Đệ tam Quốc tế…

Do tình hình trên đây, những người giác ngộ cộng sản chân chính trong TVCMĐ trịnh trọng tuyên bố cùng toàn thể đảng viên TVCMĐ, toàn thể thợ thuyền, dân cày và lao khổ biết rằng chúng tôi đã chánh thức lập ra Đông Dương cộng sản liên đoàn.

Sự chuyển biến của số đông đảng viên Tân Việt theo chủ nghĩa cộng sản là phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của phong trào yêu nước lúc đó. Nó góp phần làm suy yếu và đánh bại chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đồng thời tăng cường thêm sức mạnh cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

3- Việt Nam quốc dân đảng

Nếu Hội VNCMTN là tổ chức đại diện cho khuynh hướng cách mạng vô sản thì VNQD đảng là tổ chức tiêu biểu nhất của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản ở VN trong những năm 20.

Bộ phận hạt nhân đầu tiên của VNQD đảng là nhóm Nam Đồng thư xã do 2 anh em nhà giáo Phạm Tuấn TàiPhạm Tuấn Lâm thành lập cuối năm 1926 tại Hà Nội. Với tư cách là 1 cơ sở xuất bản tiến bộ, Nam Đồng thư xã chuyên in ấn các sách báo yêu nước, như: Gương phục quốc; Gương thành bại; Gương thiếu niên; Trưng nữ vương… nhằm khích lệ tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc trong nhân dân. Vì vậy, Nam Đồng thư xã mau chóng trở thành nơi thu hút và tụ họp của một số trí thức, thanh niên, sinh viên hồi đó, trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch, Hoàng Phạm Trân(Nhượng Tống)… Khác với Nhượng Tống chủ trương “hoà bình cách mạng”, Nguyễn Thái Học và một số người khác như Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm kiên quyết ủng hộ tư tưởng bạo lực cách mạng, dùng “sắt và máu để giành lại độc lập dân tộc”. Sau nhiều lần thuyết phục, trao đổi, nhóm tán thành bạo lực đã chiếm đa số trong Nam Đồng thư xã. Trên cơ sở đó, ngày 25/12/1927, một tổ chức cách mạng đã được thành lập ở Hà Nội, lấy tên là VNQD đảng. Sau này VNQD đảng còn tập hợp thêm một số nhóm khác có cùng quan điểm ở các địa phương như nhóm Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hoá, nhóm Việt Nam dân quốc của Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bị chi phối bởi các điều kiện giai cấp và xã hội, VNQD đảng không đề ra được một đường lối chính trị độc lập rõ ràng. Trong mấy năm tồn tại, tổ chức này đã nhiều lần thay đổi chính cương và điều lệ. Khi mới thành lập, trong bản Điều lệ được thông qua tại hội nghị thành lập, VNQD đảng ghi rõ mục đích: “Trước tiên làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”(tức là trước tiên đánh đổ đế quốc chủ nghĩa trong nước, sau giúp các nước khác đánh đổ đế quốc giành độc lập dân tộc). Đến bản Điều lệ soạn thảo tháng 7/1928 lại xác định tôn chỉ của Đảng là “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, Đảng có mục đích đoàn kết cả nam lẫn nữ để: “Đẩy mạnh cách mạng dân tộc; xây dựng nền dân chủ trực tiếp và giúp đỡ các dân tộc bị áp bức”. Tiếp đó trong bản Điều lệ sửa đổi công bố tháng 2/1929, VNQD đảng lại thay bằng 3 nguyên tắc tư tưởng của cách mạng tư sản Pháp 1789: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Mục đích của Đảng là tiến hành “cách mạng dân tộc, cách mạng chính trị và cách mạng xã hội”. Cuộc cách mạng này sẽ diễn ra qua 4 thời kỳ: Thời kỳ bí mật(tập hợp lực lượng); thời kỳ dự bị(chuẩn bị các điều kiện vật chất cũng như lương thực, vũ khí đạn dược cho cuộc khởi nghĩa vũ trang); thời kỳ công khai(đánh đuổi giặc Pháp, lật đổ ngôi vua); thời kỳ kiến thiết(thành lập chính phủ cộng hoà, thực hiện các quyền tự do, dân chủ). Cho tới thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đêm trước của bạo động Yên Bái, VNQD đảng lại mô phỏng theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn(một nhà dân chủ tư sản tiêu biểu của Trung Quốc đầu thế kỷ), nhưng những nguyên tắc và chính sách có tính cách mạng lại bị loại bỏ. Cụ thể, VNQD đảng chỉ ủng hộ chủ trương “cách mạng dân tộc” và “thiết lập dân quyền”, còn khẩu hiệu “bình quân địa quyền” và các chính sách “liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông”(tức đoàn kết với nước Nga xô viết, liên minh với Đảng cộng sản và ủng hộ giúp đỡ công nông) lại không được nhắc tới.

Rõ ràng, cho đến tận cuối năm 1929, VNQD đảng vẫn không có một cương lĩnh thể hiện rõ mục đích và lập trường chính trị của mình. Đúng như Trần Dân Tiên nhận xét: “Nó muốn một nước cộng hoà, nhưng là thứ cộng hoà nào? Sẽ cai trị quốc gia như thế nào? Với phương pháp gì người ta sẽ xây dựng lại kinh tế quốc gia? Làm thế nào để nâng cao mức sống của những tầng lớp lao động, thợ thuyền, nông dân, trí thức? Về những điều này, VNQD đảng chưa có chương trình rõ rệt”.

Thành phần xã hội của VNQD đảng chủ yếu gồm trí thức, học sinh, giáo viên, công chức, những người làm nghề tự do, một số thân hào thân sĩ ở nông thôn. Đảng còn có nhiều đảng viên là binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Bản cáo trạng của Hội đồng đề hình xét xử vụ án Badanh(Bazin) năm 1929 đã thừa nhận: “Các giáo viên, các binh sĩ là hai cái cột chống đỡ mái nhà Đông Dương, Quốc dân Đảng đã làm lay chuyển hai cây cột ấy”.

Về mặt tổ chức, VNQD đảng có bốn cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Chi bộ. Mỗi Chi bộ không quá 19 người, Điều lệ của Đảng quy định các đảng viên trong một xóm, một làng, một tổng, một huyện, một khu phố hay một thành phố đều có thể hợp thành một chi bộ. Các hoạt động của Chi bộ do cơ quan Tỉnh bộ trực tiếp chỉ đạo và điều hành.

Lãnh đạo Tổng bộ là một số nhân vật có uy tín như Nguyễn Thái Học(Chủ tịch Đảng), Nguyễn Thế Nghiệp(Phó Chủ tịch Đảng). Ngoài ra còn có các uỷ viên khác như Nhượng Tống, Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Hữu Đạt. Cơ quan Tổng bộ gồm có các ban tuyên huấn, ngoại giao, trinh sát, kinh tài, tổ chức, ám sát.

Trong hơn 2 năm tồn tại, VNQD đảng còn chủ trương thành lập các tổ chức quần chúng bao gồm Đoàn Phụ nữ, Đoàn Công nhân, Đoàn Nông dân, Đoàn Học sinh và các binh đoàn quân sự. Các hội viên này là lực lượng cảm tình của Đảng, có nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp với các đảng viên trong đấu tranh giành chính quyền khi có thời cơ.

Hoạt động chủ yếu của VNQD đảng là xây dựng lực lượng và phát triển cơ sở của Đảng ở các địa phương. Đầu năm 1928, VNQD đảng bắt đầu thực hiện việc hợp nhất với các nhóm “Việt Nam quốc dân” của Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Ninh – Bắc Giang, nhóm Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hoá. Cũng thời gian này, nhờ hoạt động của những nhà lãnh đạo Tổng bộ như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu mà một số chi bộ VNQD đảng đã lần lượt được thành lập ở Vĩnh Yên, Phú Thọ, Sơn Tây(Hà Tây). Tiếp đó, cuối năm 1928 đầu 1929, nhiều cơ sở của VNQD đảng đã được xây dựng ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng… Tính đến đầu năm 1929, riêng ở Bắc Kỳ đã có 120 Chi bộ với khoảng 1.500 đảng viên, trong đó có 120 người là cai, đội và lính khố đỏ.

Trong mấy năm tồn tại, VNQD đảng có chủ trương liên kết, phối hợp hành động với các tổ chức yêu nước và cách mạng trong nước. Ngay từ giữa năm 1928, Đảng đã cử người đi liên lạc và bàn việc hợp nhất với cả Tân Việt cách mạng đảng và Hội VNCMTN, nhưng đều không đạt kết quả. Rút cục, “trong thực tế, VNQD đảng vẫn bị cô lập với tất cả các nhóm cách mạng khác ở Đông Dương và cho đến năm 1930 – như Chánh mật thám Đông Dương Macti(Luois Marty)nhận xét – không quan hệ với những phần tử An Nam có xu hướng quốc gia đặt ở xứ ngoài”.

Khác với tổ chức Hội VNCMTN và TVCMĐ, VNQD đảng ít chú trọng tới công tác tuyên truyền và huấn luyện đảng viên. Năm 1928, VNQD đảng quyết định ra báo Hồn Cách Mạng làm cơ quan ngôn luận. Nhưng mãi đến tháng 2/1929 tờ báo mới phát hành được 1 số thì bị lộ nên phải đóng cửa. Nói chung, Đảng không có 1 cơ quan ngôn luận, hoặc tài liệu, văn kiện chính thức nào để giải thích tôn chỉ mục đích của Đảng và để tuyên truyền huấn luyện đảng viên. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho công tác phát triển Đảng tiến hành tuỳ tiện, thiếu cơ sở và chuẩn mực, đồng thời gây nên tình trạng mơ hồ về lập trường chính trị của Đảng.

Do không có lý luận cách mạng làm cơ sở cho đường lối và phương pháp đấu tranh nên VNQD đảng thiên về các hoạt động ám sát, khủng bố cá nhân. Một số vụ tống tiền các nhà giàu ở Bắc Ninh – Bắc Giang, Nam Định vào đầu năm 1929 đều do VNQD đảng thực hiện. Điển hình nhất là vụ ám sát Badanh(Bazin) – tên trùm mộ phu ở Bắc Trung Kì tại Hà Nội.

Vào dịp đầu tháng 2/1929, chủ sở mộ phu Badanh tiến hành một đợt mộ phu mới ở Bắc Kì làm cho đông đảo quần chúng bất bình, căm phẫn. Để khích lệ tinh thần đấu tranh chống chính sách mộ phu của Pháp, Thành bộ VNQD đảng Hà Nội đã cử Nguyễn Văn Viên thực hiện kế hoạch ám sát tên Badanh(ngày 9/2/1929), Nguyễn Văn Viên đã trốn thoát. Vụ án này đã làm nức lòng các tầng lớp nhân dân, còn bọn thực dân vô cùng hoảng sợ và tức tối. Chúng tăng cường lực lượng truy tìm thủ phạm vụ án, đồng thời nhân đà đó thẳng tay bắt bớ và khủng bố những người yêu nước, phá vỡ các tổ chức cách mạng. Hàng loạt đảng viên và quần chúng có cảm tình với Đảng bị bắt. Sau 5 tháng mở chiến dịch khủng bố, đến giữa tháng 7/1929, chính quyền thực dân đã bắt được 225 đảng viên đưa ra xử án. Đồng thời tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh…, hệ thống tổ chức cơ sở Đảng hầu như bị phá vỡ. Nguy cơ tan rã hoàn toàn của VNQD đảng đang đến gần.

Nói tóm lại, VNQD đảng về căn bản là một tổ chức “phỏng theo mô hình cách mạng của Quốc dân Đảng Trung Quốc”. Nó đại diện cho quyền lợi và tư tưởng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản lớp trên. Vì thiếu một cơ sở kinh tế và giai cấp đủ mạnh làm chỗ dựa nên trong suốt mấy năm tồn tại của mình, VNQD đảng không thể đưa ra được một đường lối chính trị độc lập. Thêm vào đó, công tác tổ chức và phát triển Đảng rất sơ hở, lỏng lẻo; công tác tuyên truyền, huấn luyện thì sơ sài… Những nhược điểm và hạn chế đó làm cho VNQD đảng không đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.

II. Những chuyển biến mới của phong trào công nhân

Từ năm 1925 trở đi, nhờ sự xuất hiện và tăng cường hoạt động của tổ chức cách mạng HVNCMTN, các tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa cộng sản đã được truyền bá rộng rãi trong công nhân và nhân dân lao động. Nhờ vậy, phong trào công nhân ngày càng phát triển và chuyển biến nhanh chóng về chất. Các cuộc đình công, bãi công liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi. Trong hai năm 1926-1927 đã nổ ra 27 cuộc đấu tranh của công nhân. Tiêu biểu là bãi công của công nhân Bưu điện Sài Gòn, công nhân Dệt Nam Định, công nhân đồn điền Cam Tiêm(1926); đấu tranh của công nhân đồn điền ở Đà Lạt, ở Thái Nguyên(1927)… Các cuộc đấu tranh này đều nhằm vào hai mục tiêu chung là: tăng lương từ 20-40% lương và đòi thực hiện ngày làm 8 giờ như công nhân bên Pháp. Điều này chứng tỏ công nhân không còn bị chi phối và lệ thuộc nặng nề vào các yêu cầu và lợi ích cục bộ, địa phương, mà đã biết chú ý tới lợi ích chung của giai cấp, bằng cách đề ra các yêu sách phù hợp về cơ bản với nguyện vọng của đông đảo công nhân.

Từ năm 1928, phong trào “vô sản hoá” của HVNCMTN và TVCMĐ đã có tác dụng thúc đẩy và nâng cao nhanh chóng ý thức giác ngộ và lập trường cách mạng của giai cấp công nhân. Vì vậy, phong trào công nhân đã nổ ra mạnh mẽ, sôi nổi, đều khắp 3 kì. Số lượng các cuộc đấu tranh của công nhân trong các năm 1928-1929 đã lên tới 40 cuộc, tăng gấp 2,5 lần so với 2 năm 1926-1927. Trong đó tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân Mỏ than Mạo Khê(Quảng Ninh), nhà máy Xi măng Hải Phòng, nhà máy tơ Nam Định, nhà máy cưa Bến Thuỷ(Vinh), công nhân đồn điền Lộc Ninh(1928); đấu tranh của công nhân hãng xe tay Hải Phòng, dệt Nam Định, xe lửa Tràng Thi(Vinh), nhà máy Avia(Hà Nội), đồn điền cao su Phú Riềng, hãng dầu Hải Phòng, nhà máy gang Hưng Kí(Bắc Ninh), đồn điền cao su Cam Tiêm(1929)…

Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh của 200 công nhân xưởng sửa chữa ô tô Avia(Hà Nội) 5/1929 đã có sự lãnh đạo của Kì bộ HVNCMTN và Chi bộ cộng sản đầu tiên, mà người đóng vai trò chỉ đạo trực tiếp là đồng chí Ngô Gia Tự. Để chỉ đạo công nhân đấu tranh, một Uỷ ban bãi công đã được thành lập. Uỷ ban bãi công đã phát truyền đơn kêu gọi công nhân và lao động Hà Nội hưởng ứng và ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Avia. Nhờ vậy, cuộc bãi công đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của công nhân nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh xung quanh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định.

Tháng 7/1929, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kì được thành lập. Tổng công hội đã đề ra Chương trình, Điều lệ và quyết định xuất bản tờ “Lao động” làm cơ quan ngôn luận. Sự kiện đó vừa thể hiện bước trưởng thành của phong trào công nhân, vừa tạo điều kiện thúc đẩy giai cấp công nhân đi dần vào đấu tranh có tổ chức, có lãnh đạo thống nhất.

Nhìn chung, trong thời kì 1926 – 1929, phong trào công nhân Việt Nam đã có những bước tiến bộ mới so với trước. Các cuộc bãi công nổ ra rầm rộ, sôi nổi và quyết liệt hơn. Những cuộc đấu tranh tự phát đã giảm đi và thay vào đó là những cuộc đấu tranh có ý thức, có tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Công nhân đấu tranh không chỉ nhằm đòi các quyền lợi kinh tế(như tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt), mà còn nhằm cả mục đích chính trị(chống lại chinh sách áp bức, bóc lột của bọn chủ tư bản và chính quyền thực dân phong kiến). Họ cũng đã biết đoàn kết nhau lại để đấu tranh có phương pháp, có tổ chức và kế hoạch. Chính bọn thực dân đã phải thừa nhận: “Từ đây, hành động tập thể của những người lao động đã thay thế cho những vụ âm mưu của các hội kín”.

Cùng với các cuộc đấu tranh ngày càng trở nên quyết liệt, giai cấp công nhân còn có nhiều hoạt động biểu lộ tinh thần cách mạng, ý thức quốc tế của mình. Trong các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động(1/5/1929) và Cách mạng tháng Mười Nga(7/11/1929), công nhân nhiều nơi đã tổ chức mít tinh, treo cờ đỏ, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân ngày càng có sức thu hút, lôi cuốn mạnh mẽ đối với nhiều tầng lớp nhân dân khác, nhất là nông dân, đi vào đấu tranh chống đế quốc phong kiến. Từ 1927-1929 đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống các thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất của bọn cường hào ác bá. Điển hình là các cuộc đấu tranh của nông dân Bình Giang, Thanh Hà, Tứ Kì, Vĩnh Bảo(Hải Dương), Tú Đôi, Kiến Thuỵ(Kiến An), Tam Sơn(Bắc Ninh). Ở các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, bên cạnh các cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, nông dân còn lập ra các Hội tương tế, Hội hát, Hội lợp nhà, Hội hiếu hỉ… để đoàn kết giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, đồng thời vận động bài trừ các hủ tục trong cưới xin, ma chay…

Phong trào công nhân, phong trào đấu tranh của nông dân và các tầng lớp thị dân càng phát triển sôi nổi thì càng đòi hỏi phải có người tổ chức và lãnh đạo. Nhu cầu thành lập một chính đảng cách mạng có đủ khả năng tập hợp lực lương dân tộc và gánh vác vai trò lãnh đạo sự nghiệp giải phóng đất nước được đặt ra, và ngày càng trở nên bức xúc đối với cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

III. Ba tổ chức cộng sản ra đời và việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

  1. 1. Sự xuất hiện của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam

Vào cuối những năm 20, Bắc Kì là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh hơn cả so với các vùng khác trong cả nước. Tại đây, hai tổ chức HVNCMTN và VNQDĐ đang ra sức hoạt động nhằm lôi kéo và tranh giành quần chúng. Trong khi VNQDĐ đang ngày càng tỏ ra lúng túng về phương thức hoạt động, thì tổ chức HVNCMTN hoạt động ngày càng có hiệu quả cao. Số hội viên HVNCMTN ở Bắc Kì đã phát triển khá đông(chiếm 900/1.600 hội viên trong cả nước). Hơn thế nữa, thông qua phong trào “Vô sản hoá”, và nhất là chịu tác động trực tiếp của phong trào cộng sản qua con đường Trung Quốc dội vào, nhiều hội viên Thanh Niên tiên tiến – là những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – đã sớm nắm bắt được các yêu cầu của thời cuộc và nhanh chóng nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập một ĐCS để thay thế HVNCMTN lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Để xúc tiến chuẩn bị thành lập ĐCS, tháng 3/1929, những hội viên tích cực nhất của HVNCMTN Bắc Kì đã nhóm họp tại số nhà 5D phố Hàm Long(Hà Nội), quyết định thành lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên, gồm 7 người là: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ cộng sản, cuối tháng 3/1929, Kì bộ HVNCMTN Bắc Kì đã họp Đại hội tại Sơn Tây. Đại hội đã trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến và đi tới thống nhất chủ trương thành lập ĐCS của những người lãnh đạo Kì bộ; đồng thời quyết định cử một đoàn đại biểu gồm 4 người do Trần Văn Cung(Bí thư Kì bộ) phụ trách đi dự Đại hội lần thứ I của HVNCMTN sẽ tổ chức ở Hương Cảng.

Đầu tháng 5/1929, tại Đại hội I của HVNCMTN, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã đưa ra đề nghị giải tán tổ chức Thanh Niên và thành lập ĐCS. Nhưng đề nghị đó không được chấp thuận. Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã bỏ Đại hội ra về.

Sau khi trở về nước, ngày 1/6/1929, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã ra Tuyên Ngôn giải thích lý do vì sao họ rời bỏ Đại hội, và chỉ rõ những điều kiện để thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân đã chín muồi. Tuyên Ngôn viết:

“1- Ở Việt Nam tư bản đã rất phát đạt và bắt đầu nhóm vào một số ít người(tư bản tập trung).

2- Vô sản giai cấp ở Việt Nam ngày càng đông và càng giác ngộ; nông dân nghèo cũng một ngày một nhiều.

3- Hiện nay ở Việt Nam chưa có đảng nào là đại biểu cho vô sản giai cấp”.

Từ sự phân tích đó, bản Tuyên Ngôn nhấn mạnh: “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”.

Tuyên Ngôn của Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã có sức hút mạnh đối với các hội viên HVNCMTN, nhiều hội viên đã hăng hái xin gia nhập Chi bộ Cộng sản. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên(Hà Nội), với sự tham dự của 20 đại biểu ưu tú của Kì bộ Thanh Niên. Sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng tuyên bố Tuyên Ngôn, Điều Lệ và phát hành báo Búa Liềm làm cơ quan tuyên truyền của Đảng. Bản Tuyên Ngôn nêu rõ Đông Dương Cộng sản Đảng là đảng đại biểu cho giai cấp vô sản, bao gồm những người giác ngộ và tiên tiến hơn cả. Đảng bênh vực quyền lợi cho “toàn thể vô sản giai cấp, dân cày nghèo và tất cả những người làm lụng bị bóc lột và đè nén”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Đông Dương Cộng sản Đảng còn cử người đi vào Nam Kì và về các địa phương để xây dựng và phát triển cơ sở Đảng. Do đó, đến tháng 8/1929, nhiều cơ sở Đảng, nhất là ở Bắc Kì, đã được thành lập.

Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng bộ Thanh Niên và Kì bộ Nam Kì quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 7/1929. An Nam Cộng sản Đảng xuất bản báo “Đỏ” ở Hương Cảng, rồi gửi về nước để truyền bá trong nhân dân.

Cùng với quá trình phân hoá trong HVNCMTN dẫn tới sự ra đời của hai tổ chức cộng sản, xu hướng XHCN ngày càng lôi cuốn và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số đảng viên Tân Việt. Các đại biểu Tân Việt chân chính họp tại Sài Gòn(9/1929), đã ra Tuyên Đạt chính thức thành lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Ngày 31/12/1929, một số đại biểu ưu tú của TVCMĐ như Trần Hữu Chương, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Khoa Văn, Trần Đại Quả, Ngô Đức Đệ… đã họp mặt trên một con thuyền trên sông Đò Trai(Đức Thọ) để thảo luận và thông qua các văn kiện của Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Cuộc họp bị lộ, tất cả các đại biểu tham dự họp đều bị bắt, rồi đưa về giam tại nhà lao Vinh. Đến đây, quá trình phân hoá trong nội bộ tổ chức TVCMĐ coi như kết thúc.

Sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản vào nửa sau năm 1929 khẳng định bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ hệ tư tưởng cộng sản đã giành được ưu thế trong phong trào dân tộc. Sự kiện đó cũng chỉ ra rằng những điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản đã hoàn toàn chín muồi trong phạm vi cả nước.

2. Thống nhất phong trào cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sauk hi ra đời, ba tổ chức cộng sản đều tuyên bố ủng hộ Quốc tế cộng sản và đều tự nhận mình là đảng cách mạng chân chính. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng, các tổ chức cộng sản không tránh khỏi tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau. Đông Dương Cộng sản Đảng cho An Nam Cộng sản Đảng là “hoạt đầu, giả cách mạng”; An Nam Cộng sản Đảng lại cho Đông Dương Cộng sản Đảng chưa “thật sự là cộng sản”, “chưa thật sự là Bônsêvich”…

Tình hình đó gây tổn hại lớn cho sự phát triển của phong trào cách mạng, vừa gây nên tâm trạng nghi ngờ hoang mang trong quần chúng.

Ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi cho những người Đông Dương một bức thư, trong đó yêu cầu các tổ chức cộng sản phải chấm dứt sự chia rẽ công kích lẫn nhau, đồng thời xúc tiến hợp nhất thành một chính đảng duy nhất ở Đông Dương. Thực hiện Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đại diện sang Hương Cảng tiếp xúc và bàn việc hợp nhất với An Nam Cộng sản Đảng. Trong các cuộc gặp gỡ, mỗi bên đã đưa ra những yêu cầu mà bên kia không thể chấp nhận được. Kế hoạch hợp nhất do hai đảng chủ động đề ra do đó đã không đạt kết quả.

Đúng vào thời điểm khó khăn, phức tạp ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện như một vị cứu tinh của cách mạng và phong trào cộng sản Việt Nam.

Sau vụ phản loạn của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, từ tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu sang Liên Xô và tiếp tục hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1927, Người qua Đức, Pháp, rồi trở về Xiêm. Tại đây, Người ra sức tuyên truyền, giác ngộ và xây dựng các cơ sở HVNCMTN trong kiều bào Việt Nam.

Đầu tháng Giêng năm 1930, trước nhu cầu cấp bách của phong trào cộng sản trong nước, được sự uỷ nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng để triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một ĐCS duy nhất ở Việt Nam.

Hội nghị có 5 đại biểu, hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng(Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh) và hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng(Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại phiên họp ngày 3/2/1930, các đại biểu đã nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành ĐCS Việt Nam, đồng thời thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng.

Bản Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng khẳng định ĐCS Việt Nam “là đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Đảng chủ trương tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

Nhiệm vụ của cuộc cách mạng đó là đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, thành lập chính phủ công nông binh. Chính phủ đó sẽ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc phong kiến để chia cho nông dân nghèo, quốc hữu hoá các sản nghiệp, mở mang phát triển công nông nghiệp, thực hiện các quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng nam nữ, thi hành luật ngày làm 8 giờ…

Để hoàn thành được mục tiêu trên, “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải dựa vững vào hạng dân cày nghèo”. Đồng thời lại “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để lôi kéo họ về phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít nữa là làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ”.

Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội nghị đã vạch ra phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng XHCN. Đường lối đó là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữa tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sau Hội nghị hợp nhất Đảng, ngày 24/2/1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, Ban chấp hành TW lâm thời của ĐCS Việt Nam đã chấp thuận kết nạp tổ chức cộng sản này vào Đảng. Như vậy, phải tính đến ngày 24/2/1930, việc hợp nhất giữa 3 tổ chức cộng sản thành 1 chính đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam mới được hoàn tất trên thực tế.

ĐCS Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại, với phong trào công nhân, và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng, chứng tỏ giai cấp công nhân nước ta đã trưởng thành và đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, giai cấp công nhân thật sự trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất trong cả nước. Thông qua chính đảng của mình, giai cấp công nhân có sự mệnh lãnh đạo toàn thể dân tộc và nhân dân vượt qua mọi thác ghềnh hiểm trở để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến bờ vinh quang. Sự ra đời của Đảng ngày 3/2/1930 đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm qua. Đây là khâu chuẩn bị quan trọng đầu tiên cho một thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Với sự ra đời của Đảng, cách mạng Việt Nam đã trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, và dân tộc Việt Nam từ đây sẽ từng bước tiến lên hội nhập vào phong trào cách mạng thế giới.

IV. Khởi nghĩa Yên Bái và những cố gắng cuối cùng của Việt Nam quốc dân đảng.

1. Khởi nghĩa Yên Bái

Từ đầu tháng 2/1929, nhân vụ án Bazin, thực dân Pháp ra sức truy lùng, bắt bớ những người yêu nước và phá vỡ hang loạt những cơ sở cách mạng của VNQDĐ ở Hà Nội và các tỉnh. Số phận VNQDĐ đang mấp mé bên bờ vực thẳm.

Trước tình thế nguy cấp, những người lãnh đạo Tổng bộ cho rằng không thể cứ ngồi yên chịu chết, mà phải đứng lên sống mái với quân thù. Từ cách nhìn nhận đó, Nguyễn Thái Học đã quyết định triệu tập hội nghị đại biểu toàn quốc của VNQDĐ ngày 17/9/1929 tại Lạc Đạo(Hải Dương) để bàn bạc và thống nhất kế hoạch khởi sự. Trong Hội nghị này, xuất hiện 2 phái: phái Cải Tổ và phái Khởi Nghĩa. Phái chủ trương khởi nghĩa do Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu đứng đầu chiếm ưu thế trong hội nghị. Tiếp theo hội nghị đại biểu toàn quốc, VNQDĐ còn tổ chức một cuộc họp nữa ở Bắc Ninh để hoạch định thời gian và phương thức tiến hành khởi nghĩa. Theo kế hoạch đã được thống nhất, VNQDĐ sẽ tổ chức khởi nghĩa ở các nơi và cùng lúc đánh vào các đô thị lớn là những trung tâm quân sự của Pháp. Lực lượng khởi nghĩa chủ yếu gồm anh em binh lính là người của Đảng trong quân đội của Pháp, đồng thời phối hợp với lực lượng của Đảng ở bên ngoài. Vũ khí một phần do các cơ sở của Đảng chế tạo, phần còn lại phải cướp từ tay giặc. Thời gian khởi nghĩa ấn định vào ngày 9/2/1930. Theo phân công của Đảng, Nguyễn Thái Học trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở ba tỉnh đồng bằng: Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An; còn Nguyễn Khắc Nhu chịu trách nhiệm tổ chức cuộc khởi nghĩa ở ba tỉnh trung du: Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái.

Sau 2 hội nghị ở Lạc Đạo và Bắc Ninh, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai và đẩy mạnh ở các địa phương. Các xưởng chế bom được lập ra tại các tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, và đã sản xuất được hàng nghìn quả bom xi măng. Ngoài ra, VNQDĐ còn tổ chức rèn dao, kiếm, mã tấu và đưa đi cất giấu ở những nơi kín đáo chờ ngày khởi sự. Các cơ sở may cờ, quân phục và in truyền đơn cũng làm việc liên tục ngày đêm.

Giữa lúc công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa đang được tiến hành khẩn trương thì một số biến cố đã xảy ra, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của VNQDĐ. Điển hình là vụ nổ bom do sơ suất khi chế tạo đã làm chế 3 đảng viên VNQDĐ ở Bắc Ninh (3/9/1929), và nhất là vụ phản bội của Phạm Thành Dương (tức Đội Dương) ngày 25/12/1929 tại Hội nghĩ Võng La (Phú Thọ). Những sự cố này đã buộc Pháp cảnh giác, tăng cường các cuộc lùng sục, khủng bố, đẩy VNQDĐ đến nguy cơ khởi nghĩa non.

Để đối phó với tình hình, ngày 26/1/1930, Nguyễn Thái Học lại triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại làng Mỹ Xá (Nam Sách – Hải Dương) để khẳng định lại chủ trương khởi nghĩa, đồng thời kiểm tra và thúc đẩy tiến độ thực hiện các công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Trên cơ sở phân tích tình hình của Đảng, Nguyễn Thái Học nhận xét: “Đảng chúng ta (tức VNQDĐ – TG) có thể tiêu ma hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng kiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của Đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam. Âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không thành công thì cũng thành nhân”.

Căn cứ vào kết quả chuẩn bị khởi nghĩa ở các địa phương, Nguyễn Thái Học đã bàn bạc với các đồng chí, quyết định hoãn thời gian khởi nghĩa tại 3 tỉnh miền xuôi đến ngày 15/2/1930.

Đúng như kế hoạch đã định, đêm ngày mồng 9, rạng ngày 10/2/1930, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở Yên Bái. Quân khởi nghĩa  đã chiếm được trại lính cơ số 5 và 6, giết được một số sĩ quan và hạ sĩ quan người Pháp. Nhưng họ vẫn không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh, và không làm chủ được tình hình chiến sự ở Yên Bái.

Sáng ngày 10/2, Pháp tập trung lực lượng (có máy bay yểm trợ) tổ chức phản công chiếm lại các căn cứ bị mất, đẩy nghĩa quân vào tình trạng tan rã.

Tại Lâm Thao (Phú Thọ), nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Phạm Nhận đã nhất loạt nổ súng và nhanh chóng chiếm được huyện đường. Tri phủ Đỗ Kim Ngọc bỏ trốn. Nghĩa quân treo cờ và đốt lửa báo tin thắng lợi.

Cũng đêm mồng 9/2/1930, Nguyễn Khắc Nhu dẫn một toán nghĩa quân đến đánh đồng Hưng Hoá, nhưng không đạt kết quả. Sáng hôm sau, quân Pháp từ Phú Thọ kéo lên phản công quyết liệt, quân khởi nghĩa bị đánh tan, Nguyễn Khắc Nhu bị thương, sau đó bị bắt, rồi tự sát để giữ tròn khí tiết.

Tại Sơn Tây, cuộc tấn công đánh đồng Chùa Thông cũng không giành được thắng lợi do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ. Sáng ngày 10/2, người phụ trách cuộc khởi nghĩa ở đây là Phó Đức Chính đã bị bắt.

Sau khi các cuộc nổi dậy ở các tỉnh miền ngược do Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo đã thất bại, thì tại các tỉnh miền xuôi kế hoạch khởi nghĩa mới bắt đầu được triển khai. Đêm ngày 14, rạng ngày 15/2/1930, VNQDĐ đã nổi dậy khởi nghĩa ở Phả Lại, Vĩnh Bảo (Hải Dương), Kiến An và Phụ Dực (Thái Bình), nhưng đều không thu được kết quả.

Tại Vĩnh Bảo, dưới sự chỉ huy của Trần Quang Diệu, nghĩa quân đã từ Cổ Am kéo lên đánh phá huyện đường, giết tri huyện Hoàng Gia Mô, rồi tự giải tán. Ở Phụ Dực, nghĩa quân đánh chiếm phủ huyện, đốt hết giấy tờ sổ sách, sau đó tự giải tán.

Tại Kiến An, do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp đã tức thời bắt giam toàn bộ số lính khố đỏ, và tổ chức canh phòng cẩn mật. Biết không thể khởi nghĩa thắng lợi, nghĩa quân nhanh chóng tự giải tán trước khi bị quân Pháp phản công.

Riêng ở Hà Nội, ngay đêm nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái (10/2), một số đảng viên VNQDĐ (đều là học sinh trường Bách Nghệ) đã ném bom vào nhà tên Giám đốc Sở Mật thám Ác-nu (Arnuox), vào nhà tù Hoả Lò và Sở Cảnh sát. Nhưng các vụ ném bom này ít gây tổn hại cho Pháp, không có tiếng vang lớn trong dân chúng.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần lễ, cuộc khởi nghĩa vũ trang quy mô lớn do VNQDĐ phát động đã bùng nổ ở nhiều nơi và mau chóng đi tới thất bại. Cuộc khởi nghĩa tuy không đạt được kết quả (do công tác tổ chức thiếu chu đáo, “kế hoạch rất chủ quan”, còn Pháp thì đang mạnh), nhưng đã có tiếng vang cả trong và ngoài nước. Tại thủ đô Paris (Pháp), sinh viên và Việt kiều đã tổ chức biểu tình ủng hộ khởi nghĩa Yên Bái và chống việc khủng bố các chiến sĩ VNQDĐ.

Khởi nghĩa Yên Bái với những hành động quả cảm của các nghĩa quân VNQDĐ đã thể hiện tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc ta, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, thấy rõ mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Pháp đã trở nên vô cùng gay gắt.

Tuy nhiên, thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, cũng chứng tỏ sự bồng bột, hăng hái nhất thời của tầng lớp tiểu tư sản. Đó cũng là thất bại của giai cấp tư sản dân tộc trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Lê Duẩn – nguyên Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam nhận định: “Khởi nghĩa Yên Bái chỉ là một cuộc bạo động bất đắc dĩ, một cuộc bạo động non, để rồi chết luôn không bao giờ ngóc lên nổi. Khẩu hiệu “Không thành công thì thành nhân” biểu lộ tính chất hấp tấp tiểu tư sản, tính chất hăng hái nhất thời và đồng thời cũng biểu lộ tính chất không vững chắc, non yếu của phong trào tư sản”.

Từ sau cuộc bạo động Yên Bái, VNQDĐ hoàn toàn tan rã, khuynh hướng cách mạng dân tộc hoàn toàn thất bại, hệ tư tưởng tư sản cũng hoàn toàn bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngọn cờ cách mạng đã chuyển hẳn sang tay giai cấp vô sản. Từ đây trở đi, “trên dải đất Việt Nam, phong trào chống đế quốc, giành độc lập dân tộc chỉ là những phong trào do giai cấp vô sản lãnh đạo”.

2. Chính sách khủng bố của thực dân Pháp và những cố gắng cuối cùng của “Phái cải tổ” trong VNQDĐ.

Để trả thù hành động yêu nước của các chiến sĩ VNQDĐ – mặc dù cuộc khởi nghĩa đã thất bại – chính quyền thực dân đã thực hiện một chiến dịch khủng bố tàn khốc đối với các tầng lớp nhân dân ta. Các đảng viên và những người có liên quan tới VNQDĐ bị truy lùng gắt gao, trong đó có hàng ngàn người bị bắt. Ngày 14/2/1930, Toàn quyền Đông Dương Paxkiê (P. Pasquier) đã đưa ra Nghị định thành lập Hội đồng Đề hình và cử Thanh tra Hành chính Bắc Kì Ôdiê (Poulet Osier) phụ trách. Qua nhiều phiên họp, Hội đồng Đề hình đã kết án 1086 người, trong đó 80 người bị xử tử hình, 594 người bị Phạt tù nặng.

Tàn bạo hơn nữa là vào trưa ngày 16/2/1930, thực dân Pháp đã cho 5 máy bay tới Vĩnh Bảo, ném bom và xả đạn súng máy xuống làng Cổ Am làm cháy trụi hết nhà cửa và giết hại 21 người dân. Tiếp đó, thực dân Pháp còn đưa lính đi khủng bố và tàn sát dã man nhân dân ở những làng đã từng có phong trào VNQDĐ phát triển mạnh như: Đồng Tải, Phong Cầu (Kiến An); Võng La, Sơn Dương (Phú Thọ)… Ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (xã Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương) và bị đưa về giam tại Hoả Lò – Hà Nội. Ngày 23/3 ông bị đưa ra xét xử và bị khép án tử hình. Gần 3 tháng sau, vào ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ trung kiên của VNQDĐ đã bị xử chém tại thị xã Yên Bái.

Trong những ngày chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa Yên Bái, phái “cải tổ” của VNQDĐ nằm “án binh bất động”. Họ chủ trương kéo dài thời gian xây dựng lực lượng, tiến tới cải tổ lại Đảng cho thật vững chắc rồi mới tiến hành khởi nghĩa.

Vì vậy, ngay sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, phái “cải tổ” do Lê Hữu Cảnh đứng đầu đã nhanh chóng bắt liên lạc với các đảng viên còn lại, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để cải tổ lại Đảng. Tại một cuộc họp do Lê Hữu Cảnh triệu tập với sự tham gia của Nguyễn Xuân Huân, Lê Tiến Sự, Nguyễn Đức Lâm, Phạm Văn Hể, phái “cải tổ” đã quyết định bầu lại Tổng bộ mới, và xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương. Do đó, các cơ sở VNQDĐ được phục hồi khá nhanh ở các tỉnh Vĩnh Yên, Hải Dương.

Tuy nhiên, phương thức hoạt động của phái này vẫn không có gì thay đổi so với trước. Họ chủ yếu tổ chức các vụ ám sát, tống tiền, gây hoang mang, kinh sợ trong bọn thực dân, chớ không coi trọng công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân. Điển hình là các vụ ám sát hụt Toàn quyền Paxkiê, Tổng đốc Vi Văn Định, vụ xử tội phản bội của Phạm Thanh Dương…

Để tiêu diệt nốt những cố gắng cuối cùng của VNQDĐ “cải tổ”, thực dân Pháp càng ra tay đàn áp. Cuối tháng 6/1930, cơ quan Tổng bộ bị phá vỡ, Lê Hữu Cảnh bị bắt. Đầu năm 1931, một thành viên khác của phái “cải tổ” là Vũ Tiến Lữ đã liên lạc với một số đảng viên của Đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, dự tính sẽ tiến hành tổ chức lại VNQDĐ. Nhưng trước sự truy lùng gắt gao của thực dân Pháp, kế hoạch này cũng không thực hiện được. Sau này, hoạt động của phái “cải tổ” vẫn còn được duy trì ở một vài vùng thuộc tỉnh Hải Dương. Tại những nơi này, các đảng viên tiếp tục chế bom và tiến hành các vụ ám sát, tống tiền để tạo nguồn tài chính cho công cuộc phục hồi lại Đảng. Mãi đến cuối năm 1932, những cố gắng cuối cùng của phái “cải tổ” trong VNQDĐ mới hoàn toàn bị dập tắt.

Có thể nói vai trò của VNQDĐ trong phong trào dân tộc trên thực tế đã chấm dứt từ sau khởi nghĩa Yên Bái. Còn các hoạt động sau đó của những đảng viên thuộc phái “cải tổ” trong VNQDĐ chỉ là những âm hưởng cuối cùng của một tiếng chuông đã tắt. Sau này, một số đảng viên VNQDĐ chạy sang Trung Quốc đã biến chất, trở thành tay sai của nước ngoài, rồi được đưa về nước để chống phá phong trào cách mạng của nhân dân ta.

(Xem tiếp Chương X)